Chuyên gia nói gì về việc cho trẻ ăn nội tạng động vật?
Bữa ăn của trẻ ngoài những món được chế biến từ thịt, mẹ còn thường cho con sử dụng nội tạng động vật như tim, cật, óc. Đây đúng là những thành phần giàu dinh dưỡng, tuy nhiên nếu ăn không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Mời các mẹ cùng đọc bài viết dưới đây để xem các chuyên gia nói gì về việc cho trẻ ăn nội tạng động vật nhé.
Có nên cho trẻ ăn nội tạng?
Những món được chế biến từ nội tạng động vật không chỉ ăn ngon, lạ miệng mà còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2, những nội tạng động vật như gan, thận, não, tim, lưỡi rất giàu dưỡng chất cho cả trẻ em và người lớn.
Dinh dưỡng từ nội tạng động vật
Đầu tiên phải kể đến gan. Đây là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời. Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam 2007, gan được xem là thức ăn động vật giàu vitamin A nhất. Cụ thể trong 100g gan vịt, có tới 11.984 mcg vitamin A, gấp khoảng 17 lần so với 100g trứng gà. Ngoài ra, gan còn chứa acid folic, sắt giúp bổ máu và các khoáng chất khác như đồng, kẽm, chromium.
Gan vịt rất giàu vitamin A
Thận cũng là nguồn dinh dưỡng tốt giàu đạm và acid béo omega 3. Đây là nhóm có tác dụng tốt cho tim mạch và thần kinh.
Nói đến omega 3, không thể bỏ qua não. Đây là bộ phận giàu omega 3, phosphatidyl choline, phosphatidyl serin và các chất chống oxy hoá cũng giúp bảo vệ tế bào thần kinh, phát triển trí não.
>> Xem thêm Các nhóm dưỡng chất giúp trẻ phát triển trí não tốt nhất
Một tạng nữa được rất nhiều bà mẹ cho trẻ ăn đó là tim. Đây là nguồn cung cấp acid folic, sắt, selen, kẽm, chất chống oxy hóa coenzym Q10 và các vitamin nhóm B như B1, B6, B12. Trong 100g tim lợn, có chứa 5,90mg sắt, cao hơn cả trong lòng đỏ trứng vịt. Với thành phần như vậy, ăn tim động vật tốt cho huyết áp, tim mạch và não bộ.
Tim lợn cũng rất nhiều dưỡng chất
So với tim thì các phụ huynh ít cho trẻ ăn lưỡi hơn. Nhưng lưỡi cũng giàu dinh dưỡng. Cụ thể đó là nguồn giàu năng lượng, acid béo và các yếu tố vi lượng kẽm, sắt, vitamin B12, choline. Trong 100g lưỡi lợn có 3,01mg kẽm, gần bằng nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ từ 1-3 tuổi.
Có nên cho trẻ ăn nội tạng động vật?
Nội tạng động vật giàu dưỡng chất là vậy, nhưng cho trẻ ăn có phù hợp không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng cho rằng trong nội tạng động vật có chứa nhiều cholesterol và chất béo no sẽ ảnh hưởng đến tim mạch và gây ra tình trạng khó tiêu. Trẻ em tuổi ăn tuổi lớn đang có nhu cầu chất béo cao hơn sẽ ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ ăn thường xuyên để tránh đầy bụng và đối với những trẻ bị thừa cân, béo phì thì cần phải hạn chế tiêu thụ nội tạng động vật.
Trẻ thường xuyên ăn nội tạng có thể bị đầy bụng, khó tiêu
Thêm vào đó, nội tạng của những con vật ốm, bệnh rất dễ bị nhiễm khuẩn và tồn đọng độc tính. Do đó, sẽ không tốt cho trẻ khi chẳng may ăn phải.
Như vậy, kể cả người lớn cũng cần lưu ý. Nội tạng động vật mặc dù cũng có thành phần tốt nhưng thói quen ăn quá nhiều, ngược lại sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Lưu ý khi chế biến nội tạng động vật cho trẻ
Để tận dụng nguồn dinh dưỡng từ nội tạng động vật một cách hiệu quả, khi cho trẻ ăn cha mẹ cần chú ý:
- Chọn nguyên liệu an toàn, con vật khoẻ mạnh không bị nhiễm bệnh.
- Chế biến đúng cách, đảm bảo trẻ ăn chín uống sôi.
Nội tạng cần được nấu chín trước khi cho trẻ ăn
- Không ăn thường xuyên, thỉnh thoảng có thể cho trẻ ăn để thay đổi khẩu vị. Mỗi bữa ăn không quá 50g, và không quá 3 lần/tuần.
- Kết hợp với các thực phẩm khác để trẻ có đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Tham khảo Bệnh viện nhi đồng 2, Soha