Tháp dinh dưỡng cho trẻ 3-5 tuổi. Mẹ áp dụng ngay đảm bảo con đủ chất
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng, bao gồm cả thiếu và thừa chất dẫn tới hậu quả trẻ nhẹ cân, chậm lớn, hoặc thừa cân, béo phì. Để khắc phục tình trạng này, trẻ cần một chế độ ăn hợp lý. Vậy đó là chế độ ăn như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 3-5 tuổi
Ở tuổi này, tốc độ tăng trưởng của trẻ tương đối cao, với cân nặng tăng khoảng 2kg/năm và chiều cao tăng 7cm/năm. Trẻ 3-5 tuổi đã đi mẫu giáo và thích chạy nhảy, vận động nhiều. Do đó, ước tính nhu cầu năng lượng vào khoảng 1300-1600 Kcal/ngày.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 3-5 tuổi khoảng 1300-1600 Kcal/ngày
Tháp dinh dưỡng cho trẻ 3-5 tuổi
Đây là hướng dẫn được biên soạn bởi Viện dinh dưỡng quốc gia, dựa trên đặc điểm của người Việt Nam. Nhờ những thông tin này, cha mẹ hoặc người chăm sóc sẽ biết cách lựa chọn loại và số lượng thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của trẻ. Dưới đây là nội dung chi tiết của tháp dinh dưỡng.
- Các tầng tháp
Tháp dinh dưỡng cho trẻ 3-5 tuổi gồm có 7 tầng, được sắp xếp theo số lượng tiêu thụ tăng dần từ trên xuống dưới. Các thực phẩm trong cùng 1 tầng là tương đương và có thể thay thế cho nhau để tạo nên bữa ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng cho trẻ.
Nằm trên đỉnh tháp là nhóm gia vị gồm muối, đường. Đây là tầng nên hạn chế cho trẻ ăn. Ví dụ như đồ ngọt, các loại sốt, nước mắm,...
Tiếp đến là tầng thứ 2 gồm các chất béo như dầu, mỡ, bơ. Nhóm này cung cấp năng lượng cao, lên tới 9 Kcal/1g chất béo và đảm nhận nhiều vai trò trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng chỉ nên cho trẻ ăn ở mức độ phù hợp.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ 3-5 tuổi gồm 7 tầng
Sau nhóm chất béo là sữa và các sản phẩm từ sữa. Đây là nguồn đạm, vitamin và khoáng chất dồi dào. Điển hình là canxi. Ngoài ra, sữa chua còn có chứa các vi khuẩn có lợi cho đường ruột của trẻ.
Tầng thứ 4 của tháp là chất đạm, gồm thịt, hải sản, trứng, và các loại đậu, đỗ. Những chất này có vai trò chính giúp tạo cơ và tăng cân cho trẻ.
Tầng thứ 5 là nhóm rau củ quả, nguồn vitamin, khoáng chất và chất xơ tuyệt vời. Trẻ nhỏ là đối tượng thường gặp phải các vấn đề tiêu hoá. Khi đó, một chế độ ăn nhiều rau và trái cây sẽ giúp trẻ cải thiện đáng kể.
Nhóm ngũ cốc nằm ở tầng thứ 6. Đó là các thực phẩm như cơm, bún, phở, miến, các loại khoai, bánh mì, ngô,... Trong bữa ăn hàng ngày, ngũ cốc cung cấp năng lượng chính cho trẻ.
Cuối cùng, nước nằm ở đáy tháp, một chất không thể thiếu trong cơ thể con người. Trẻ có thể bổ sung nước từ sữa, thực phẩm hàng ngày.
- Hướng dẫn áp dụng tháp dinh dưỡng
Để đơn giản, các thực phẩm trong từng tầng được quy ra theo đơn vị. Dựa trên nhu cầu năng lượng của trẻ, các chuyên gia đã tính toán được tổng đơn vị mà trẻ cần từ mỗi nhóm.
Theo đó, trẻ từ 3-5 tuổi nên ăn < 3 đơn vị đường, < 3g muối, 5 đơn vị dầu mỡ, 4 đơn vị sữa, 3,5 đơn vị đạm, 5-6 đơn vị ngũ cốc, 2 đơn vị rau, 2 đơn vị quả và 6 cốc nước (1,3 lít) mỗi ngày. Cụ thể, thực đơn của trẻ được chia ra như sau.
Thực đơn hàng ngày cho trẻ 3-5 tuổi theo nhu cầu dinh dưỡng
- Quy ước về đơn vị đối với từng nhóm
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị ngũ cốc
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị chất đạm
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị rau
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị quả
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị sữa
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị chất béo
Lượng thực phẩm tương đương 1 đơn vị gia vị
Từ hướng dẫn trên, mẹ chỉ cần thay thế các loại thực phẩm trong cùng nhóm cho nhau là sẽ có một loạt bữa ăn vừa đa dạng vừa đủ chất cho bé yêu nhà mình. Chúc các mẹ áp dụng thành công.
Nếu vấn đề của mẹ không phải là chế độ ăn chưa hợp lý, mà là trẻ biếng ăn, không chịu hợp tác thì hãy tham khảo thêm bài viết dưới đây nhé.
>> Giúp bé hết biếng ăn nhờ 5 bí quyết cực kỳ đơn giản này
Tham khảo Viện dinh dưỡng quốc gia