Trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì? Đây là những gợi ý dành cho mẹ
Trẻ 7 tháng tuổi đã có thể ngồi vững, mọc răng, hay biết bốc đồ ăn cho vào miệng. Lúc này trẻ vẫn bú sữa là chính, và bắt đầu làm quen với các loại thức ăn đặc như bột, cháo. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt. Mời mẹ cùng đọc bài viết dưới đây để biết rõ hơn trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì và ăn như thế nào nhé.
Trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì?
1. Sinh lý trẻ 7 tháng tuổi
Bé nhà bạn 7 tháng tuổi được bao nhiêu ký và biết làm gì rồi? Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản của một em bé ở tuổi này.
- Cân nặng, chiều cao tiêu chuẩn
Một trẻ trai 7 tháng tuổi thường có cân nặng khoảng 6,7 - 10,3kg và chiều cao 65 - 74cm. Chỉ số này ở trẻ gái là 6,0 - 9,8kg và 63 - 72cm.
>> Xem thêm Bảng cân nặng tiêu chuẩn của trẻ từ 0-5 tuổi theo Bộ Y tế
Trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì? Đây là những gợi ý dành cho mẹ
- Tốc độ tăng trưởng
Vào tuổi này, tốc độ tăng trưởng của trẻ thường chậm hơn so với giai đoạn trước. Trung bình trẻ sẽ tăng khoảng 0,4 - 0,7 kg/tháng.
- Ngồi vững
Nhiều trẻ 7 tháng tuổi đã có thể ngồi vững. Mẹ cần chú ý để trẻ ngồi với tư thế đúng hình chữ M, hai chân hơi khum và quay về phía trước. Đây là lúc một chiếc ghế ăn dặm sẽ vô cùng thích hợp với trẻ.
>> Xem thêm Mách mẹ cách chọn ghế ăn dặm cho trẻ phù hợp
Trẻ 7 tháng tuổi đã có thể ngồi vững
- Biết bốc đồ ăn
Đôi tay của trẻ lúc này trở nên linh hoạt hơn, biết cầm nắm những vật có kích thước nhỏ. Do đó, chúng hoàn toàn có thể tự bốc đồ ăn cho vào miệng. Và hầu như mọi đứa trẻ vô cùng thích thú khi được tự do khám phá đồ ăn.
- Mọc răng
Trẻ từ 6-8 tháng tuổi thường bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Trẻ mọc răng có thể kèm theo sốt, quấy khóc và biếng ăn. Khi đó mẹ cần chú ý chăm sóc để trẻ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này.
>> Xem thêm Trẻ mọc răng biếng ăn, mẹ phải làm sao?
Mẹ cũng đừng quá lo lắng khi con 7 tháng chưa mọc răng. Nhiều đứa trẻ 1 tuổi mới mọc răng là chuyện rất bình thường.
>> Xem thêm Trẻ chậm mọc răng, khi nào cần lo lắng?
Nhiều trẻ 7 tháng tuổi đã có 2 răng cửa dưới
- Biểu lộ cảm xúc
Trẻ 7 tháng tuổi cũng biết biểu lộ cảm xúc nhiều hơn. Trẻ thích chơi đồ chơi nào, thích ăn món ăn nào, thích nghe bài hát gì sẽ thể hiện sự hào hứng ra ngoài cho cha mẹ thấy.
2. Trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì?
Giai đoạn nào cũng vậy, một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt. Trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì? Dưới đây là một số gợi ý dành cho mẹ.
- Sữa là nguồn dinh dưỡng chính
Với trẻ dưới 1 tuổi, sữa luôn là thực phẩm chính. Ăn bổ sung chỉ có tính chất để trẻ làm quen với thức ăn đặc và thêm vào những chất mà sữa không có như chất xơ, chất béo, và một số vi khoáng.
Trẻ 7 tháng tuổi nên uống khoảng 700-900 ml sữa trong một ngày. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, thời tiết nắng nóng gây khát nước, mẹ có thể cho trẻ bú thêm theo nhu cầu.
Sữa là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ 7 tháng tuổi
- Làm quen với thức ăn đặc, 3 bữa/ngày
Một ngày trẻ nên ăn khoảng 3 bữa ăn dặm: sáng, trưa, chiều tối. Ngoài bột gạo, thịt, trứng hoặc cá, mẹ nên sử dụng thêm rau nghiền nhỏ và 1-2 thìa dầu, mỡ để nấu đồ ăn dặm cho trẻ. Thực đơn đa dạng sẽ giúp trẻ làm quen được với nhiều món ăn và không cảm thấy ngán.
Một lưu ý nữa cho mẹ là trẻ ở tuổi này không cần nêm muối hay gia vị khác vào đồ ăn. Trẻ em có vị giác rất nhạy cảm nên dù không thêm gia vị thì chúng vẫn cảm nhận được. Ngược lại, nếu cho trẻ 7 tháng tuổi ăn với khẩu vị như người lớn thì chúng sẽ có nguy cơ bị thừa muối và gây hại cho thận.
>> Xem thêm Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý thực đơn cho trẻ ăn dặm 6-7 tháng tuổi
- Ăn bốc rau củ hấp, trái cây mềm cắt nhỏ
Trẻ 7 tháng đã biết bốc đồ ăn nên mẹ đừng bỏ qua rau củ hấp hay trái cây mềm cắt nhỏ nhé. Những món này sẽ giúp trẻ được tự do khám phá đồ ăn, và tăng kỹ năng phối hợp tay-mắt.
Mẹ có thể sử dụng những loại quả mềm như chuối, bơ, táo luộc chín. Hoặc các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí cho vào nồi hấp chín mềm, sau đó thái nhỏ vừa tay cho trẻ cầm ăn.
"Ăn bốc" giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo
- Sữa chua
Sữa chua chứa nhiều canxi và lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hoá của trẻ. Từ 6 tháng tuổi trở lên, trẻ hoàn toàn đã ăn được sữa chua. Do đó, mỗi ngày mẹ nên chuẩn bị cho trẻ 1 hộp sữa chua nhé.
- Trái cây nghiền
Trái cây nghiền trộn thêm sữa cũng là một món ăn phù hợp cho trẻ 7 tháng tuổi. Nhiều mẹ muốn cho con ăn trái cây nhưng sợ con hóc thì có thể áp dụng cách này. Cách làm rất đơn giản. Mẹ chỉ cần chọn các loại quả chín như chuối, bơ, táo xay hoặc nghiền mịn. Sau đó cho thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức để tạo thành hỗn hợp sánh mịn là được.
Trái cây nghiền là món ăn phù hợp dành cho trẻ 7 tháng tuổi
3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ 7 tháng tuổi
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, không ép trẻ ăn
Trong thời gian mới tập ăn dặm, mẹ đừng đặt nặng việc trẻ ăn ít hay ăn nhiều. Trẻ nên được ăn theo nhu cầu. Việc ép trẻ ăn không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn khiến trẻ trở nên biếng ăn hơn.
Ở tuổi này trẻ cũng thường trải qua biếng ăn sinh lý khoảng 1-2 tuần do mọc răng hoặc mải mê khám phá môi trường xung quanh. Nên nếu thấy trẻ ăn ít đi nhưng vẫn vui vẻ và khỏe mạnh thì mẹ không cần lo lắng đâu nhé.
>> Xem thêm Biếng ăn sinh lý là gì? Giải pháp để cùng con vượt qua
- Cẩn thận trẻ dị ứng đồ ăn
Trẻ ở giai đoạn này đang làm quen với các thực phẩm mới nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị dị ứng. Để phát hiện và loại bỏ tác nhân gây dị ứng, cha mẹ cần quan sát phản ứng của con khi ăn bất cứ thực phẩm mới nào. Và hãy cho trẻ 3-5 ngày để làm quen với 1 món ăn mới nhé.
Khi phát hiện các biểu hiện dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, cần loại bỏ ngay tác nhân gây dị ứng. Tuỳ vào mức độ để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.