Cách trị trẻ biếng ăn hay ngậm sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải
Vợ chồng anh T. có con gái 10 tháng tuổi. Hằng ngày, chăm sóc và cho bé ăn do cô giúp việc thực hiện. Con bé lười ăn lắm, vợ chồng anh thì coi như bó tay rồi, lần nào cũng chỉ cho ăn được vài thìa là con bắt đầu ngậm thức ăn đầy miệng. Cô giúp việc thì khác hôm nào cũng bón được hết bát cháo. Hỏi ra anh mới biết “bí quyết” ở đây là “Nó khóc to càng dễ bón, ngậm không chịu nuốt thì bóp mũi. Kiểu gì cũng xong”. Thật lạ lùng khi cách trị trẻ biếng ăn hay ngậm phản khoa học này vẫn được nhiều người áp dụng.
Cách trị trẻ biếng ăn hay ngậm sai lầm của nhiều cha mẹ
Tác hại của việc bóp mũi khi trẻ ngậm đồ ăn
- Trẻ dễ bị sặc
Nhìn đứa con 10 tháng tuổi ngậm cháo trong miệng không chịu nuốt, chị L. ở Hoài Đức, Hà Nội nghĩ ra cách bóp mũi. Trong mấy thìa đầu cách này khá hiệu quả, con nuốt nhanh hơn thật. Nhưng đến thìa thứ 5, con bị sặc, mặt tím tái lại. Sợ quá, chị nhanh chóng đưa bé đến phòng khám. Rất may con không làm sao nhưng mẹ thì được một phen hú vía.
Khi ngậm, miệng trẻ chứa đầy thức ăn. Khi bóp mũi, trẻ bắt buộc phải há miệng để thở. Và thế là ực một cái cả đống thức ăn đột ngột được nuốt vào. Việc này rất dễ khiến trẻ bị sặc như trường hợp của chị L. Nguy hiểm hơn thức ăn còn có thể trở thành dị vật gây tắc nghẽn đường thở, đe doạ tính mạng của trẻ.
- Trẻ sợ hãi
Việc bóp mũi cho trẻ ăn là một cách ép ăn đầy thô bạo. Trẻ sẽ rất sợ hãi và khóc to. Mẹ thấy thế càng dễ bón nên tiếp tục hành vi đầy bạo lực này. Bữa ăn của con giờ đây giống như một cực hình kéo dài 30 phút.
- Gây biếng ăn do tâm lý
Nỗi sợ hãi cả đồ ăn và người cho ăn khiến trẻ cứ đến giờ ăn là trốn tránh hay khóc lóc. Lúc bé nó không thể làm gì được còn ngồi im cho mẹ bóp mũi.
Trẻ biếng ăn tâm lý do cách cho ăn sai lầm của cha mẹ
Khi lớn rồi, tâm lý sợ đồ ăn vẫn chưa hết, nhưng nó đã có thể phản kháng ở một mức độ nào đó. Do vậy mà con càng biếng ăn hơn, còn mẹ thì dần trở nên tuyệt vọng, hết cách với con.
Để giải quyết vấn đề trẻ biếng ăn tâm lý, câu chuyện trở nên khó khăn hơn nhiều.
Vì sao trẻ ngậm đồ ăn?
Không phải tự nhiên mà trẻ ngậm đồ ăn. Cái gì cũng có nguyên do cả. Dưới đây là một số trường hợp hay gặp.
- Trẻ no rồi
Đừng nghĩ trẻ em không biết gì. Chúng thực sự biết mình cần ăn bao nhiêu theo nhu cầu. Khi đã no rồi, ăn thêm chỉ khiến con đầy bụng, khó chịu nên nó sẽ không chịu ăn nữa.
Do đó, trẻ ngậm đồ ăn để kéo dài thời gian và thách thức tính kiên nhẫn của cha mẹ với hi vọng rằng mình sẽ không phải ăn nữa.
- Do mải chơi
Những thìa cơm mẹ bón sẽ chẳng bao giờ hấp dẫn được bằng bộ phim hoạt hình đang chiếu trên tivi hay những siêu nhân xuất hiện trong điện thoại. Khi con mải chơi tất nhiên sẽ không tập trung ăn cho tử tế. Và trẻ sẽ ngậm đồ ăn vì không muốn bỏ lỡ bất cứ đoạn phim hay nào.
Trẻ ngậm đồ ăn do mải chơi
- Đồ ăn cứng, dai
Thức ăn không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân trẻ hay ngậm. Đôi khi mẹ quên rằng trẻ nhỏ không ăn được giống hoàn toàn như người lớn. Nếu mẹ cho con ăn những món hơi dai và cứng thì con sẽ mất nhiều thời gian để nhai hơn. Trẻ trở nên ăn chậm đi và ngậm thức ăn trong miệng.
- Bón miếng quá to, cho trẻ ăn nhanh
Nhiều nhà đang “nhồi” cho con ăn theo đúng nghĩa đen. Nào là bát cháo to ụ, mẹ bón từng thìa đầy và liên tục. Con chưa kịp nuốt thìa này thì đã lại tới thìa khác khiến đứa trẻ ngậm ứ cháo trong miệng. Quả là một trải nghiệm ăn uống đáng sợ.
- Đau răng, khó nuốt
Ngoài những nguyên nhân kể trên, các vấn đề răng miệng cũng có thể là thủ phạm khiến trẻ ngậm thức ăn. Đó là khi trẻ bị đau răng, loét miệng, viêm họng,... Tình trạng này làm việc nhai nuốt trở nên khó khăn hơn. Trẻ vì đau nên chỉ còn cách ngậm đồ ăn đầy miệng.
Vậy đâu là giải pháp cho trẻ biếng ăn hay ngậm?
Khi hiểu được tại sao con hay ngậm đồ ăn mẹ sẽ lựa chọn được giải pháp phù hợp. Bóp mũi cho con nuốt là hành vi rất phản khoa học và cha mẹ tuyệt đối không nên làm. Thay vào đó hãy thử một số cách dưới đây.
- Không ép trẻ ăn
Ép trẻ ăn sẽ chỉ khiến chúng sợ hãi và biếng ăn tâm lý như đã giải thích ở trên. Hơn nữa, trẻ không ăn rất có thể do chúng đã no rồi. Vì vậy, đừng cố nhồi cho con, hãy cho chúng ăn theo khả năng của mình.
Không nên ép trẻ ăn, mà hãy để trẻ ăn theo khả năng
- Không kéo dài thời gian ăn
Nên có quy định mỗi bữa ăn sẽ chỉ kéo dài tối đa 30 phút. Nếu quá thời gian này, mẹ hãy dọn đồ ăn đi và không cho con ăn. Con đói thì lần sau sẽ tự biết ăn nhanh hơn, không ngậm đồ ăn nữa.
- Không chơi đùa khi ăn
Đến giờ ăn nên để con chỉ tập trung ăn. Không chơi đùa hay xem tivi điện thoại để dụ con ăn. Điều này sẽ chỉ làm con xao lãng đồ ăn và càng hay ngậm thức ăn.
Hãy cho con ngồi ăn cùng gia đình để tạo không khí thoải mái, vui vẻ. Người lớn cũng cần chú ý ăn để trẻ thấy và học tập theo.
- Đồ ăn phù hợp với lứa tuổi
Mẹ nên chế biến đồ ăn hợp với lứa tuổi của con. Trẻ tập ăn dặm thì cho con ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Không cho trẻ ăn thức ăn quá dai và cứng, vì vừa khó tiêu vừa tốn thời gian để ăn.
Ngoài ra, thay đổi thực đơn phong phú để con không cảm thấy đồ ăn nhàm chán cũng là một cách làm hiệu quả.
- Xem con có gặp vấn đề nào về sức khoẻ không
Trẻ biếng ăn hay ngậm có thể do trẻ đang không khỏe. Ví dụ như khi đau răng, rối loạn tiêu hoá, bị nhiễm giun sán. Vì vậy mẹ cần nắm được tình trạng của trẻ để từ đó có được giải pháp phù hợp.
>> Xem thêm Chỉ mặt điểm tên những bệnh khiến trẻ biếng ăn
Trẻ biếng ăn có thể do trẻ đang không khoẻ
Kết lại, trị biếng ăn hay ngậm bằng cách bóp mũi rất sai lầm và cha mẹ tuyệt đối không áp dụng. Việc ép trẻ ăn thêm một vài miếng cháo bằng cách này chẳng những không đem lại lợi ích gì mà còn tác động xấu đến thói quen ăn uống của trẻ và thậm chí gây nguy hiểm.
Hi vọng sau bài viết này, vợ chồng anh T. và các cha mẹ khác có con biếng ăn hay ngậm sẽ tìm được giải pháp phù hợp.