Đừng ép trẻ ăn mà hãy ăn cùng con
Nhiều bậc cha mẹ cứ đến bữa ăn là dùng đủ mọi cách ép con ăn cho hết suất vì sợ con chưa đủ no, nghĩ rằng ăn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tuy nhiên việc ép con ăn khi con không có nhu cầu chẳng những không mang đến giá trị dinh dưỡng mà còn để lại ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ.
Đừng ép con ăn mà hãy ăn cùng con
Hành động tưởng chừng rất bình thường này lại là nguyên nhân gây ra một số tình trạng ở trẻ. Dưới đây là những hậu quả dễ thấy của việc ép con ăn.
Thứ nhất, trẻ nôn trớ.
Con ăn đủ rồi, không muốn ăn nữa nhưng mẹ vẫn cố cho con ăn tiếp sẽ khiến trẻ quá no. Khi đó, một số hoạt động nhẹ nhàng cũng khiến trẻ bị ói thức ăn ra ngoài. Kết quả là bữa ăn trở thành công cốc.
Thứ hai, trẻ biếng ăn.
Ép con ăn quá mức khiến con trở nên sợ hãi khi đến bữa ăn. Con nhìn thấy thức ăn liền không muốn ăn nữa. Bên cạnh đó con bị ép ăn cũng làm giảm đi cảm giác ngon miệng. Do đó con dễ biếng ăn.
>> Xem thêm Trẻ biếng ăn và những hậu quả khôn lường
Ép ăn có thể khiến trẻ trở nên biếng ăn
Thứ ba, ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
Mỗi khi ép con ăn, cha mẹ thường cảm thấy căng thẳng, bực dọc. Tuy nhiên, cha mẹ không biết rằng, lúc này, con cũng bị mệt mỏi, bức bối không kém. Thậm chí, khi trẻ lớn lên dễ trở thành người hay căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm hoặc có khuynh hướng hung hăng, gây hấn.
Thứ tư, tạo thói quen ăn uống không tốt cho trẻ.
Trẻ bị ép ăn sẽ coi việc ăn như là nghĩa vụ phải hoàn thành vì cha mẹ mà không nhận thức được giá trị dinh dưỡng cho bản thân. Bên cạnh đó trẻ lâu dần sẽ không có khả năng tự lập. Nhiều gia đình muốn con ăn thêm mà bày đủ trò để dỗ dành con, chiều theo ý con như vừa ăn vừa xem điện thoại, ra điều kiện để ăn hay bế con rong khắp xóm. Điều này khiến trẻ có những thói quen không tốt, luôn nghĩ rằng mình được chiều chuộng mà muốn gì cũng được.
Chính vì vậy đừng ép trẻ ăn mà hãy ăn cùng con.
Cha mẹ nên ngồi ăn cùng con, cả nhà ăn cùng nhau và trò chuyện vui vẻ để tạo không khí thoải mái khi ăn. Mẹ cũng có thể khuyến khích, khen ngợi khi con biết cầm thìa, biết tự xúc ăn. Một điểm quan trọng nữa là người lớn hãy làm tấm gương cho con. Để con thấy được ý nghĩa của bữa ăn.
Cả nhà ăn cùng nhau tạo không khí thoải mái khi ăn
Và cuối cùng, cũng là điều tiên quyết, đó là mẹ cần hết sức kiên nhẫn. Để thay đổi thói quen ăn uống của con không phải ngày một ngày hai là được, mà cần sự kiên trì của mẹ.