Giỏ hàng
banner

Top 10 truyện cổ tích cho bé yêu hay nhất 2021

Nhìn hình ảnh đứa trẻ chăm chú ngồi đọc sách cha mẹ có vui không nào? Các mẹ có muốn những em bé đó hiện hữu ở trong chính ngôi nhà của mình không? Một cách rất đơn giản để giúp trẻ yêu thích đọc sách đó là ngay từ khi còn nhỏ hãy đưa con vào thế giới của những câu chuyện. Mời mẹ cùng theo dõi top 10 truyện cổ tích cho bé yêu hay nhất dưới đây để nuôi dưỡng nên những tâm hồn thích đọc sách nhé.

Tại sao nên đọc truyện cho trẻ nghe?

Mỗi ngày, thay vì để con xem những video trên điện thoại thông minh, cha mẹ hãy kể truyện cổ tích cho bé nghe trước khi đi ngủ. Việc làm này tuy đơn giản nhưng rất tốt cho trẻ.

truyện cổ tích cho bé

Tại sao nên đọc truyện cho trẻ nghe?

Trẻ sẽ được bước vào thế giới của những nhân vật thân thuộc, gần gũi trong cuộc sống. Từ đó giúp con tăng trí tưởng tượng và hiểu hơn về mọi điều xung quanh mình.

Những câu chuyện cũng chính là những bài học ý nghĩa về tình cảm gia đình, về những đức tính tốt cần thiết cho trẻ. Bình thường, khi nhắc con phải như thế này thế kia, có thể trẻ sẽ không chịu chú ý và làm theo. Nhưng thông qua những câu chuyện thú vị với nhân vật sinh động, hấp dẫn trẻ sẽ lắng nghe hơn đấy cha mẹ ạ. 

Một điều nữa, những em bé của chúng ta sẽ hình thành nên tính tò mò và thích khám phá. Đến khi con có thể tự đọc được rồi thì chúng sẽ tự tìm tòi những cuốn sách ưa thích. Lúc này mẹ sẽ sung sướng biết bao khi đứng từ xa nhìn con chăm chú đọc. Thật đáng yêu biết bao!

Top 10 truyện cổ tích cho bé yêu hay nhất 2021

Vì những lợi ích tuyệt vời kể trên, hãy bắt đầu đọc truyện cho trẻ nghe từ khi chúng còn nhỏ cha mẹ nhé. 

Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất cho bé yêu 2021

Với những ông bố bà mẹ văn chương đầy mình, không khó để kể truyện cho con nghe. Nếu bí, cha mẹ cũng có thể tìm mua sách giấy về đọc và cho con tiếp xúc trực tiếp với sách. Những hình ảnh minh hoạ đa dạng màu sắc cũng sẽ hấp dẫn trẻ hơn.

Dưới đây là 10 câu chuyện cổ tích Việt Nam hay nhất để cha mẹ đọc cho bé yêu mỗi ngày.

1. Cây tre trăm đốt

Ngày xưa, trong làng nọ có lão phú ông đẻ được một cô con gái xinh đẹp. Trong nhà phải thuê một anh đầy tớ, phú ông muốn anh ta làm cho mình nhưng lại không muốn trả tiền bèn nói: “Mày chịu khó làm ăn với tao rồi tao gả con gái cho”. Người ở mừng lắm, ra sức làm lụng tới khuya không ngại vất vả. Anh ta giúp việc được ba năm, phú ông mỗi ngày một giàu có.

Lúc này phú ông không còn nghĩ đến lời hứa cũ nữa, nên đem con gái gả cho con một nhà phú hộ khác ở trong làng.

Sáng hôm sắp đưa dâu, ông chủ gọi đứa ở lên lừa anh một lần nữa, bảo rằng: “Bây giờ mày lên rừng tìm cho tao một cây tre có trăm đốt về đây làm đũa ăn cưới, thì tao cho mày lấy con gái tao ngay”.

Anh người ở tưởng thật, vác dao đi vào rừng. Anh kiếm khắp nơi, hết rừng này qua rừng nọ, không tìm đâu thấy có cây tre đủ trăm đốt. Buồn khổ quá, anh ta ngồi một chỗ ôm mặt khóc. Bỗng thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc hiện ra bảo: “Tại sao con khóc, hãy nói ta nghe, ta sẽ giúp cho”. Anh bèn đem đầu đuôi câu chuyện ông phú hộ hứa gả con gái cho mà kể lại. Ông lão nghe xong, mới bảo rằng: “Con đi chặt đếm đủ trăm cái đốt tre rồi đem lại đây ta bảo”.

Anh làm theo lời dặn, ông bụt dạy anh đọc: “Khắc nhập, khắc nhập” đủ ba lần, thì một trăm khúc tre tự nhiên dính lại với nhau thành một cây trẻ đủ một trăm đốt. Anh người ở mừng quá, định vác về, nhưng cây tre dài quá, vướng không đi được. Ông bụt lại bảo anh đọc: “Khắc xuất, khắc xuất” đúng ba lần thì cây tre trăm đốt lại rời ra ngay từng khúc.

truyện cổ tích cho bé

 Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt

Anh bèn bó cả lại mà gánh về nhà. Đến nơi thấy hai họ đang ăn uống vui vẻ, sắp đến lúc rước dâu, anh mới hay là ông chủ đã lừa đem gả con gái cho người ta rồi. Anh không nói gì, đợi lúc nhà trai đốt pháo cưới, bèn đem một trăm khúc tre xếp dài dưới đất, rồi lẩm bẩm đọc: “Khắc nhập, khắc nhập” cho liền lại thành một cây tre trăm đốt, đoạn gọi ông chủ đến bảo là đã tìm ra được tre trăm đốt, và đòi gả con gái cho mình. Ông chủ lấy làm lạ cầm cây tre lên xem, anh đầy tớ đọc luôn: “Khắc nhập, khắc nhập”, thì ông ta bị dính liền ngay vào cây tre, không làm sao gỡ ra được. Ông thông gia thấy vậy chạy đến, định gỡ cho, anh lại đọc luôn: “Khắc nhập, khắc nhập”, thì cả ông cũng bị dính theo luôn, không lôi ra được nữa.

Hai họ thấy thế không còn ai dám lại gần nữa. Còn hai ông kia không còn biết làm thế nào đành van lạy xin anh đầy tớ thả ra cho. Ông chủ hứa gả con gái cho anh, ông thông gia xin về nhà ngay, anh để cho cả hai thề một hồi rồi nó mới đọc: “Khắc xuất, khắc xuất” thì hai ông rời ngay cây tre, và cây tre cũng rời ra trăm khúc.

Mọi người đều nể phục anh người ở, ông chủ vội gả con gái cho anh, và từ đó không còn dám khinh thường anh nữa.

2. Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh tiều phu nghèo, sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải vác rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai mà lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.

Một hôm, như bình thường chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi. Trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của anh bị gãy cán và thế là lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh tiều phu vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng quá, anh ngồi khóc than thở.

Bỗng từ đâu đến có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng tiều phu. Ông cụ nhìn anh và hỏi:

- Này con, con đang có chuyện gì sao? Ta thấy con khóc và buồn bã.

Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ tóc bạc:

- Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ. Nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày. Bây giờ nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để sống qua ngày nữa. Cháu buồn lắm cụ ạ!

Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

- Ta tưởng chuyện gì lớn lắm. Đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ con chiếc rìu lên cho.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Ba lưỡi rìu

Vừa dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước, trên tay là một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

- Đây là lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống đúng không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

- Không phải lưỡi rìu của cháu đâu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.

Lần thứ hai, ông cụ tóc bạc lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay lại cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

- Đây có đúng là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, một lần nữa anh lại lắc đầu và bảo:

- Không phải là lưỡi rìu của cháu cụ ạ.

Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt mà anh chàng tiều phu đã đánh rơi. Ông cụ lại hỏi anh:

- Vậy còn đây có phải là lưỡi rìu của con không!

Thấy đúng là lưỡi rìu của mình, anh chàng tiều phu reo lên vui sướng:

- Vâng cụ ạ, đây đúng là lưỡi rìu của con rồi. Con cảm ơn cụ vì đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen ngợi:

- Con quả là một người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc. Nên ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ mà nhận lấy.

Anh chàng tiều phu mừng rỡ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ ông. Ông cụ hóa phép và biến đi mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được ông bụt giúp đỡ.

3. Cậu bé Tích Chu

Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, nên Tích Chu sống với bà.

Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức ăn gì ngon bà cũng dành hết cho Tích Chu. Đêm đến, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu quá, có người bảo:

- Bà ơi bà! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn cả trời, rộng hơn cả biển. Sau này lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.

Thế nhưng khi lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà gì cả. Bà thì làm việc vất vả suốt ngày, còn Tích Chu lúc nào cũng chỉ rong chơi. Vì làm việc vất vả quá, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt cao nhưng không có ai trông nom. Tích Chu mải chơi với bạn bè, không nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt ngày càng lên cao, bà khát nước quá liền gọi:

- Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước với. Bà khát khô cả cổ rồi!

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Cậu bé Tích Chu

Bà gọi một lần, hai lần, rồi đến lần thứ ba nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau đó, Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà để kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức khi thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá liền kêu lên:

- Bà ơi! Bà đi đâu thế? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi bà!

- Cúc cu! Cúc cu! Chậm mất rồi cháu của ta ạ, bà khát quá không thể chịu nổi nên phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà sẽ không về nữa đâu!

Nói rồi chim liền vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu sợ quá chạy theo bà, cứ theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang đứng uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi to:

- Bà ơi bà! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa đâu ạ!

- Cúc cu, cúc cu, muộn quá rồi cháu của ta ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!

Nghe chim nói thế, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và vô cùng hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện lên, bà tiên bảo Tích Chu:

- Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa xôi lắm, cháu có đi được không?

Nghe bà Tiên nói, Tích Chu vui mừng vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút do dự, Tích Chu hăng hái đi ngay.

Trải qua bao ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu cũng đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Uống xong nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu. Từ đó trở đi, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.

4. Sự tích cây ngô

Năm ấy, trời hạn hán rất nặng. Cây cối chết khô cả vì thiếu nước. Bản làng xơ xác vì đói và khát. Nhiều người dân phải bỏ bản ra đi để tìm nơi ở mới. 

Ở nhà nọ chỉ có hai mẹ con sinh sống. Người mẹ thì ốm đau liên miên và cậu con trai mới lên 7 tuổi. Tên cậu bé là Aưm. Cậu có nước da đen nhẫy và mái tóc màu vàng hoe. Tuy còn nhỏ nhưng Aưm đã trở thành chỗ dựa duy nhất của mẹ. 

Hàng ngày, cậu phải dậy từ sớm để vào rừng kiếm măng, hái nấm và quả mang về cho mẹ. Nhưng trời lại ngày càng hạn hán hơn. Nên có nhiều lần cậu đi cả ngày mà không hề tìm được thứ gì để ăn. Đến một hôm, vừa đói vừa mệt, cậu ngủ thiếp đi bên cạnh bờ suối. Trong giấc mơ, cậu nhìn thấy một con chim cắp quả gì to cỡ bằng bắp tay, phía trên có chùm râu vàng giống như mái tóc của cậu. Con chim đặt quả lạ này vào tay Aưm rồi sau đó vỗ cánh bay đi. Tỉnh dậy Aưm thấy quả lạ vẫn nằm ở trên tay. Ngạc nhiên quá, Aưm lần bóc các lớp vỏ thì nhìn thấy phía bên trong hiện ra những hạt màu vàng nhạt, xếp thành hàng đều tăm tắp. Aưm lấy một hạt bỏ vào miệng để nhai thử thì thấy có vị ngọt, bùi. Mừng vui quá, Aưm cầm quả lạ chạy một mạch về nhà mình.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Sự tích cây ngô

Mẹ của cậu vẫn nằm thiêm thiếp ở trên giường. Thương mẹ mấy ngày nay đói lả vì không có gì ăn, Aưm vội vàng đem những hạt lạ đó giã ra và nấu lên mời mẹ ăn. Người mẹ mới dần dần tỉnh lại, âu yếm nhìn đứa con hiếu thảo của mình. Số hạt lạ còn lại, Aưm đem gieo vào mảnh đất phía trước sân nhà. Ngày nào cũng như ngày nào, cậu ra sức chăm bón cho cây lạ. Có hôm phải đi cả ngày mới tìm được nước uống nhưng Aưm vẫn để dành một gáo nước tưới cho cây. Cây được chăm sóc tốt nên lớn rất nhanh, lá dài xanh mướt vươn ra. Chẳng bao lâu, cây đã trổ hoa, và kết quả.

Mùa hạn hán qua đi, bà con lại lũ lượt tìm về bản làng cũ. Aưm lấy những quả lạ có râu vàng hoe như mái tóc của cậu biếu cho bà con để làm hạt giống. Quý tấm lòng tốt bụng của Aưm, dân bản lấy tên câu bé để đặt cho cây có quả lạ đó là cây Aưm, hay ngày nay còn gọi là cây ngô. Nhờ có cây ngô mà từ đó trở đi, những người dân Pako không còn lo thiếu ăn nữa.

5. Sự tích cây chuối

Ngày xửa ngày xưa, cứ ba năm một lần, Thần Cây lại mở cuộc thi cây. Các con của Thần vào dịp này mang về những giống cây mới để Thần chấm giải. Lần thi ấy, người con út của Thần Cây tên là Tiêu Lá vừa mới lấy vợ và sinh ra được đứa con đầu lòng vô cùng xinh đẹp. Tiêu Lá rất yêu quý con, suốt ngày cứ ngắm con mãi không biết chán. Một hôm, đang ngắm con thì Tiêu Lá bỗng nảy ra ý định sẽ tạo nên một loại cây vừa bụ bẫm, xinh đẹp như con, vừa có thể cho con chỗ vui chơi và có quả ngon nuôi con chóng lớn. Tiêu Lá nghĩ ra một giống cây mới lạ hoàn toàn. Thân của nó sẽ bụ bẫm, tròn trĩnh như tay chân của con, và át mẻ như da thịt của con. Lá của cây sẽ không nhiều nhưng lại rất to và nhìn như là những cái lông chim khổng lồ tụm lại một đầu xòe ra bốn phía. Đến khi 5 hoặc 6 tuổi, con có thể lấy từng chiếc lá che đầu đi chơi mà không sợ mưa, không sợ nắng. Còn quả của cây sẽ giống như những ngón tay con trẻ và xếp thành dài dọc theo sống lá. Khi chín quả sẽ thơm ngọt như có mùi sữa và mật hoà quyện vào nhau. Con lớn lên có thể tự với tay là hái được quả, rồi tự bóc lấy mà ăn.

Nhưng có một điều đáng lo là năm đó có một con chim ác tự nhiên từ đâu xuất hiện. Trông nó to lớn, lông thì như vảy rắn. Nó chuyên rình để lấy cắp những hạt giống cây quý rồi bay đi. Vậy làm thế nào để con chim ác không lấy giống cây mới của mình được? Tiêu Lá bèn nghĩ ra cách cho cây sinh ra từ gốc, từ củ chứ không phải từ hạt nữa. Để trêu con chim ác một phen, Tiêu Lá vẫn cho quả giống cây có hạt, nhưng hạt ấy dù cho có gieo xuống đất, có chăm sóc đến mấy, nó cũng sẽ chẳng bao giờ nảy mầm và sinh ra cây con được.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Sự tích cây chuối

Con chim ác hình như đã phát hiện ra điều ấy. Nên nó bèn tìm mọi cách để phá hoại cây. Khi những quả đầu tiên từ giống cây quý mà Tiêu Lá đã tạo nên vừa chín thì con chim ác đã bay tới. Nó chỉ rình bay tới vào ban đêm. Nó dùng cái mỏ to quặm và sắc nhọn mổ phá ngay những quả quý của Tiêu Lá. Tiêu Lá tức giận lắm. Đêm đến, Tiêu Lá quyết định thức và rình để bắt cho bằng được con chim ác phá hoại. Nhưng nó cũng tinh khôn không kém. Nó đánh hơi rất giỏi. Biết là có Tiêu Lá rình nấp và đang thức chờ mình, nó chỉ bay vụt qua rồi biến mất. Nhưng chỉ cần chàng vừa chợp mắt ngủ quên là nó đã lao ngay đến mổ phá những quả quý kia. Vì vậy mà suốt cả đêm Tiêu Lá đành phải cố thức. Có lần, vừa chợt tỉnh giấc, Tiêu Lá đã suýt nữa chộp được nó. Con chim ác đã vẫy vùng bay thoát, còn chàng chỉ chộp được một túm lông của nó. Nhưng từ đó, con chim ác trở nên rất sợ hình dáng cái bàn tay của Tiêu Lá đã chộp nó. Đoán biết được điều này, lập tức Tiêu Lá nảy ra một ý định mới. Chàng sẽ không cho những quả cây quý ấy xếp dọc thành hàng theo gân lá nữa. Thay vào đó chúng sẽ tụ lại thành từng khóm, giống như hình các bàn tay xòe ra, luôn sẵn sàng vồ lấy con chim ác. Và những bàn tay bằng quả ấy, nối tiếp nhau cứ xếp xoay tròn, bàn này ở trên, bàn kia ở dưới.

Nhờ cách làm này mà con chim ác đúng là không dám bay đến phá phách nữa. Mà hình dáng những quả cây quý như bàn tay ấy trẻ con đang xoè múa nhìn cũng rất đẹp và vui mắt. Tiêu Lá vui lắm. Con trai của chàng cũng thích loại cây này. 

Tiếng trống vang lừng khắp cả gần xa báo mùa thi cây đã đến. Những người anh của Tiêu Lá từ các nơi đã lần lượt mang cây về dự giải. Đủ các loại hình dáng, màu sắc, hương vị, cây to, cây nhỏ, quả ngọt, quả chua. Tiêu Lá là người mang cây đến sau cùng nên chàng xếp giống cây của mình ở hàng cuối. Đến sáng ngày thi, Thần Cây râu tóc bạc trắng từ trên núi cao đi xuống tươi cười. Thần rất vui mừng vì nhìn thấy tất cả ba mươi sáu người con của Thần đều có mặt đầy đủ và các con đều mang những giống cây mới về dự. Thần Cây bắt đầu xem xét từng giống cây một, lắng nghe từng người con nói về cái hay, cái quý của giống cây mình mới tạo nên. Thần Cây lấy làm thích thú vì thành quả của các con mình.

Nhưng phải đến khi đứng trước giống cây vừa mới lạ, vừa xinh đẹp, và mang đầy tình yêu thương con trẻ của Tiêu Lá, Thần Cây mới cười to lên ha hả và tuyên bố Tiêu Lá giành được giải nhất. 

Cây ấy chính là cây Chuối ngày nay. Nguyên nhân gọi là cây Chuối thì có lẽ do lần ấy, hỏi xem cây nào đã giành được giải nhất, ai cũng đáp: Cây cuối! Cây cuối! (nghĩa là xếp ở hàng cuối). Sau này tiếng "cuối" đọc chệch ra dần thành tiếng "chuối". Còn vì sao mà những “bàn tay” chuối có nhiều hơn năm ngón, năm quả thì điều ấy rất dễ hiểu: do thấy các em ưa thích ăn chuối, nên để các em vui các bàn tay chuối cứ tự động sinh thêm ngón, thêm quả. Và đó cũng là cách cây muốn tỏ ra mình rất hiểu bụng người đã tạo nên cây. Đó là lòng yêu con, yêu trẻ của người con út của Thần Cây mang tên Tiêu Lá.

6. Sự tích con bọ hung

Ngày xửa ngày xưa. trời ở thấp lắm, thấp đến mức người trần gian giơ chày lên giã gạo cũng chạm vào bụng trời.

Người trần gian thì ngày một ngày đông hơn, mới sáng tinh mơ đã thi nhau giã gạo. Vì thế mà có khi đâm vào bụng trời ngay cả khi trời còn đang say sưa ngủ. Nhất là vào dịp tết, người ta vẫn còn giã gạo đến khuya, trời thì buồn ngủ lắm rồi mà bụng vẫn cứ đau điếng do những nhát chày thúc vào.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Sự tích con bọ hung

Nhà trời tức lắm không biết làm thế nào, nghĩ bụng có khi phải ra lệnh cho trần gian bớt ăn đi thì mới có thể yên thân được. Thế là nhà trời cho gọi bọ hung đến để truyền lệnh xuống trần gian.

- Ngươi hãy mang lệnh của ta truyền cho người trần gian rằng từ hôm nay trở đi ba ngày mới được ăn một bữa, mỗi bữa chỉ được ăn ba bát cơm.

Bọ hung vốn bị đãng trí, nói trước quên sau, bị nhà trời quở phạt vì bao nhiêu lần truyền sai lệnh. Nhưng bù lại được cái tính nghe lời, ngoan ngoãn, sai cái là đi làm ngay. Lần này bọ hung quyết tâm không truyền sai lệnh nữa. Vừa ra khỏi cửa, bọ hung đã luôn mồm lẩm bẩm : “Ba ngày ăn một bữa, mỗi bữa chỉ được ăn ba bát.”

Bọ Hung cứ thế đi từ trên trời xuống trần gian. Một anh nông dân đi cấy, thấy bọ hung lẩm bẩm cái gì đó liền lắng tai nghe. Anh ta nấp vào sau bụi cây, đợi khi bọ hung đi qua liền hét to lên một tiếng. Bọ hung bất ngờ quá giật bắn người  nên quên khuấy câu mình đang nói. Bọ Hung tức giận lắm, định cãi nhau với anh nông dân nhưng nó không quên nhiệm vụ phải nhớ lại mình đang nói là gì đã. Nghĩ một hồi mà không ra, anh kia bèn nhắc :

- Có gì đâu, mày đang nói là: “Một ngày ăn ba bữa, còn ăn vặt thì không tính.”

Bọ hung mừng rối rít quên cả việc định đôi co với anh nông dân và cứ tiếp tục đi.

“Ngày ăn ba bữa, còn ăn vặt thì không tính …”

Biết tin có bọ hung mang lệnh nhà trời xuống, vua tôi trần gian ra nhận chiếu chỉ. Nghe bọ hung nói:

- “Ngày ăn ba bữa …”

Vua tôi trần gian hoảng quá, ăn nhiều như thế thì làm bao nhiêu cho đủ. Trước kia, ăn mỗi ngày có hai bữa đã phải giã gạo làm trời đất mất ăn mất ngủ, kỳ này chắc nhà trời lại càng quở trách ta cho mà xem.

Bọ hung truyền lệnh xong liền trở về trời. Nhà trời thấy từ ngày sai bọ hung đi truyền lệnh, người trần gian lại giã gạo nhiều hơn trước. Trời bèn triệu vua trần gian lên để hỏi rõ nguyên do.

Vua trần gian kể lại trước đông đủ các quân thần đều bọ hung mang lệnh nhà trời truyền xuống là phải ăn nhiều hơn trước. Bấy giờ nhà trời mới vỡ lẽ thì ra là do bọ hung truyền sai lệnh. Nhà trời tức quá liền phạt bọ hung một trận no đòn. Sau đó, cắm cái xẻng vào đầu để bọ hung đi làm nghề xúc phân. Từ đó trở đi không kể đêm ngày, bọ hung phải đi hốt phân. Lệnh đã truyền đi thì không thu lại được nữa, dân chúng hạ giới tiếp tục giã gạo ngày đêm không ngơi tay. Nhà trời mất ăn mất ngủ liên miên không thể chịu nổi đành phải chuyển lên thật cao để người trần không còn đụng chạm tới nữa.

7. Quả bầu tiên

Ngày xửa ngày xưa, có một chú bé nhà nghèo vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Vì thế mà cứ mỗi dịp xuân về, chim chóc lại kéo nhau tới làm tổ, ríu rít hót vang quanh nhà chú bé.

Một hôm, một con Cáo từ đâu xông tới bắt chim Én ở đầu nhà chú bé. Con Én non nớt bị rơi xuống đất và gãy cánh. Chú bé vội vàng lao ra cứu con chim. Chú dịu dàng vỗ về con Én nhỏ, làm cho nó một cái tổ khác và cho nó ăn. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của chú bé, vết thương của con Én đã lành lại. Mùa thu tới là lúc chim én phải bay theo đàn Én đi trành rét ở phương Nam, nhưng con Én nhỏ lưu luyến không rời chú bé, phân vân nửa muốn bay theo đàn, nửa muốn ở lại.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Quả bầu tiên

Hiểu lòng chim Én, chú bé âu yếm bảo:

- Én cứ bay theo đàn đi kẻo mùa đông sẽ lạnh lắm. Khi nào mùa xuân ấm áp thì Én lại trở về đây với anh.

Dứt lời chú bé tung con Én nhỏ lên trời. Con Én chấp chới bay lên nền trời xanh biếc của mùa thu, dần nhập vào một đàn Én lớn đang trên đường di cư về phương Nam tránh rét. Con Én nhỏ có bạn có bè mau chóng tìm được niềm vui, nhưng nó vẫn không thể nào quên được chú bé.

Mùa xuân tươi đẹp cuối cùng cũng đã tới. Con Én nhỏ tìm về ngôi nhà đơn sơ nhưng ấm áp của chú bé đã cứu mình ngày xưa. Khi thấy chú bé đang ngồi đan sọt giữa sân, nó mừng vui kêu lên thành tiếng. Đôi cánh Én chao liệng và nó thả trước mặt chú bé một hạt bầu.

Chú bé đem hạt bầu chim Én cho vùi xuống đất. Chẳng bao lâu sau, hạt bầu đã nảy mầm thành cây con. Cây lớn nhanh như thổi, ra hoa, rồi đậu quả. Nhưng lạ lùng thay, quả bầu to khổng lồ, cả nhà chú bé hợp sức lại mới khiêng về được một quả. Đến khi bổ ra, ôi, thật kì diệu, trong quả bầu toàn là vàng bạc, châu báu và thức ăn ngon!

Tên địa chủ trong vùng nghe ngóng được chuyện ấy. Hắn cũng muốn được chim Én cho mình nhiều quả bầu tiên. Hắn bèn tìm cách bắt lấy một con chim Én con, rồi bẻ gãy cánh của nó. Sau đó hắn lại giả vờ thương xót con Én rồi đem về chăm sóc.

Đến mùa thu, khi nhìn đàn Én đầu tiên xuất hiện trên trời, hắn vội vàng ném con Én lên và bảo:

- Bay đi Én con! Mau đi kiếm hạt bầu tiên mang về đây cho ta!

Con Én tội nghiệp bay đi. Mùa xuân năm sau nó cũng đem theo một hạt bầu trở về. Tên địa chủ hí hửng đem gieo ngay xuống đất và canh giữ ngày đêm. Đợi đến lúc quả bầu đã già, hắn bảo mọi người khiêng về nhà rồi sau đó đuổi tất cả ra. Hắn đóng cửa lại rồi một mình bổ quả bầu tiên. Quả bầu được bổ ra, nhưng vàng bạc chẳng thấy đâu, mà chỉ có rắn rết. Rắn rết từ trong quả bầu xông ra cắn chết tên địa chủ tham lam độc ác.

8. Tại sao trâu đen, bò vàng?

Ngày xưa, trâu và bò là hai anh em kết nghĩa. Chúng cùng sinh ra ở một vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Lúc nhỏ, cả hai đều có bộ lông trắng mịn màng và rất đẹp.

Đến khi lớn lên, trâu rất chăm chỉ làm việc. Mọi công việc đồng áng dù vất vả nặng nhọc đến đâu trâu cũng đều không quản ngại. Vào ban ngày, trâu làm công việc kéo cày ở những khu ruộng sâu bùn lầy. Tối trở về nhà nó vẫn cần mẫn giúp người kéo trục đập lúa. Có khi nó lại đảm nhiệm việc vào rừng kéo những cây gỗ dài và nặng. Một lần, lão hổ già đòi con người phải cho nó xem trí khôn, trâu đã giúp người trói được lão hổ gian ác vào gốc cây. Sau đó lão hổ bị người chất rơm đốt nên bây giờ lông hổ mới vằn vện như thế.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Tại sao trâu đen, bò vàng?

Ngược với trâu, bò lại rất lười biếng. Nó chỉ chịu đi cày bừa ở những nơi ruộng nương cao ráo, đất tơi xốp và nhẹ. Đêm đêm trong khi trâu đang giúp người đập lúa thì bò nằm ườn ra nghỉ ngơi và nhai rơm khô.

Thấy trâu chăm chỉ, con người yêu quý và giao cho việc trông coi cây rơm, thức ăn dự trữ mùa đông của trâu bò. Do đó bò phải xin phép trâu nếu muốn đến ăn rơm đều. Mùa đông năm đó, trời rét lắm, cỏ lụi hết do sương muối rơi dày. Bò đói quá mới năn nỉ trâu:

- Anh trâu ơi anh trâu! Em đói quá rồi, cho em thêm một bó rơm nữa được không?

- Mày lười làm, hay trốn việc nên ăn ít thôi!

Bị trâu mắng vậy, bò tức giận lắm. Nó ôm cái bụng đói lép kẹp đi ngủ nhưng không tài nào ngủ được. Bò muốn đến ăn rơm lắm rồi nhưng có trâu luôn nằm chắn canh chừng nó không biết phải làm sao. Trâu có hai cái sừng nhọn hoắt chĩa ra. Đến mấy anh lợn định đến rút trộm ít rơm để lót ổ cũng không dám lại gần.

Đói quá không ngủ được nên bò rất oán hận trâu. Nó quyết tâm tìm cách trả thù trâu.

Một hôm, thấy trâu đi làm về mệt ngủ quên, bò liền châm lửa đốt cây rơm. Rơm khô bén lửa cháy đùng đùng, khói mù mịt. Lửa cháy bén cả vào chỗ trâu nằm do nó dùng rơm đắp lên người cho ấm. Bộ lông trắng của trâu bị cháy trở nên đen thui. Hoảng quá nó lăn ngay xuống vũng bùn cho đỡ nóng. Còn bò, vì đói quá, liều mạng lao vào chỗ cây rơm đang cháy cố lôi lấy một ít rơm để ăn. Vì thế mà bộ lông trắng mượt và chải chuốt của bò cũng bị ám khói thành ra màu vàng khè.

Sau lần cháy cây rơm ấy, trâu mới có màu đen và bò mới có màu vàng như bây giờ.

9. Sự tích cây vú sữa

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều thành ra rất nghịch ngợm và ham chơi. Một lần, cậu vùng vằng bỏ đi vì bị mẹ mắng. Cậu đi la cà khắp nơi, ở nhà mẹ cậu lo lắng, không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ cậu đều ngồi trên bậc cửa ngóng trông cậu về. Qua một thời gian rồi mà cậu vẫn không về. Quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu liền gục xuống. Không biết đã đi bao lâu, nhưng phải đến khi vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu bé mới nhớ đến mẹ.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Sự tích cây vú sữa

- “Phải rồi, khi đói, mẹ cho mình ăn, khi mình bị  bắt nạt, mẹ là người bênh mình, về với mẹ thôi”.

Cậu bé liền tìm đường về nhà. Về đến nhà, cậu thấy cảnh vật vẫn như xưa, nhưng lại không thấy mẹ đâu. Cậu lo lắng, gọi mẹ khản cả tiếng:

- Mẹ ơi, mẹ đi đâu mất rồi, con đói quá! 

Cậu bé liền gục xuống, rồi ôm một cây xanh mọc trong vườn mà khóc.

Kỳ lạ thay, bỗng nhiên cây xanh run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí bắt đầu trổ ra, nở trắng xoá như mây. Hoa tàn, quả cũng xuất hiện, lớn nhanh, vỏ căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi ngay vào tay cậu bé.

Cậu bé đói quá cắn một miếng thật to. Nhưng chỉ thấy chát. Quả thứ hai rơi xuống. Lần này, cậu lột vỏ, nhưng lại cắn vào hạt quả rất cứng.

Quả thứ ba rơi xuống. Cậu không ăn luôn mà khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Từ kẽ nứt, một dòng sữa trắng trào ra, sóng sánh và ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ghé môi hứng lấy những dòng sữa ngọt ngào.

Cây rung rinh cành lá, thì thào bảo cậu bé:

“Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hiểu lòng mẹ”.

Nghe xong, cậu bé oà lên khóc. Mẹ cậu đã không còn nữa. Cậu bé cảm thấy ân hận vô cùng. Cậu ngước nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia thì đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng vất vả của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá tựa như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Cậu bé kể cho mọi người nghe câu chuyện và sự ân hận của mình. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu giống như tình cảm mẹ dành cho cậu. Mọi người đều thích, họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

10. Sự tích Mèo và Chuột

Trước kia, chuột vốn là một giống loài linh thiêng ở trên Trời. Vì thế mà Trời giao cho nó trách nhiệm giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột lại không phải là một loài đáng tin cậy. Khi nhận được giữ chìa khóa, chúng cứ tự do đến mở kho và rủ nhau ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.

Trời biết được, lấy làm giận lắm, mới không cho chuột ở trên ấy nữa. Trời đuổi chuột xuống dưới hạ giới, sai giữ chìa khóa kho thóc của nhân gian.

truyện cổ tích cho bé

Truyện cổ tích Sự tích mèo và chuột

Nhưng chuột vẫn chứng nào tật ấy, chúng lại rủ nhau vào kho thóc của con người ăn rả rích no nê. Đến nỗi con người phải có câu than rằng:

“Chuột kia xưa ở nơi nào?

Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này?”

Người lấy làm chua xót, mới kêu than với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt chuột đem lên trả Trời và tâu lại rằng:

- Chuột này vốn của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới?

Trời mới nói:

- Ừ, trước đây nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi vì nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này nữa, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.

Vua Bếp tâu:

- Nó xuống dưới ấy lại ăn vụng lúa của con người, hại lắm. Bẩm Trời, chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều nó ăn không hết, lúa của người ít mà nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người sẽ chết đói mất. Vậy nên xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.

Trời nghe Vua Bếp tâu, phán rằng:

- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa rồi, không thể cho nó lên đây nữa. Thôi bây giờ ta có một cách: Ta cho chú một con mèo mang xuống hạ giới. Khi nào chuột ăn lúa của người thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi. Còn khi nó không muốn bắt chuột nữa, thì chú bảo con mèo cứ kêu với chuột rằng: “Nghèo, nghèo, nghèo”, thì chuột cũng phải sợ mà bỏ đi.

Vua Bếp lạy tạ Trời, rồi lại đem cả chuột và mèo xuống hạ giới. Cứ theo như lời Trời dạy mà làm.

Thành ra bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột nó sẽ “gầm gừ, gầm gừ” và khi nào không bắt được chuột thì nó ngồi kêu: “nghèo, nghèo, nghèo, nghèo”…

Nhưng lúc ấy, mèo nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp. Vì tại vua Bếp mà mèo mới phải xuống trần gian. Nhưng nó không làm gì nổi vua Bếp cả, nên chỉ còn cách thỉnh thoảng đi vào giữa đống tro bếp để phóng uế.

Truyện cổ tích nước ngoài hay nhất cho bé yêu 2021

Bên cạnh những truyện cổ tích Việt Nam, những mẩu truyện nước ngoài cũng rất hay và phù hợp dành cho bé. Cha mẹ có thể tham khảo thêm những truyện cổ tích nước ngoài dưới đây.

- Cô bé quàng khăn đỏ

- Nàng công chúa chăn ngỗng

- Cậu bé và cây táo

- Sự tích hoa hồng

- Công chúa tóc dài

- Sự tích chuột chù

- Chó sói và bảy chú dê con

- Ba chú heo con

- Ông lão đánh cá và con cá vàng

- Sự tích con cóc

Tham khảo: Truyencotich.vn

QUÀ TẶNG MIỄN PHÍ TỐT BẠN KHỎE CON

1. Bộ sách nuôi con khỏe thông minh của người nhật ( Trị giá 990k )
2. 30 thực đơn mỗi ngày đơn giản mẹ dễ làm giúp con ngon ăn chóng lớn
3. 30 bản nhạc hay nhất giúp con phát triển trí tuệ, mẹ thư giản
4. 30 bản nhạc giúp mẹ thư giản con ngủ ngon
5. 30 video bài tập hướng dẫn con phát triển chiều cao
HÃY ĐIỀN THÔNG TIN CỦA BẠN ĐỂ CHÚNG TÔI GỬI QUÀ MIỄN PHÍ CHO BẠN
 
giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng

* Thắc mắc của bạn sẽ được phản hồi trong 24h. Xin cảm ơn!