Trẻ lười ăn rau, mẹ đừng ép ăn mà hãy thử áp dụng những cách này
Con lười ăn rau là câu chuyện không của riêng mẹ nào. Chị M. ở Nam Từ Liêm, Hà Nội than phiền: “Con mình chỉ thích ăn cơm với thịt xay hặc cá xay, cho thêm rau là từ chối. Ép ăn thì nó bỏ bữa luôn chứ nhất định không chịu ăn”. Mẹ vẫn biết rau là rất tốt cho sức khoẻ, nhưng trẻ lười ăn rau thì làm thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho mẹ những biện pháp hiệu quả.
Trẻ lười ăn rau, nhìn thấy rau là từ chối
Tại sao trẻ lười ăn rau?
Mẹ đã bao giờ đặt câu hỏi tại sao con mình lại lười ăn rau đến thế? Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.
- Món rau nhàm chán, nhạt nhẽo.
So với những thịt, cá, trứng thì có vẻ trông đĩa rau kém hấp dẫn hơn hẳn. Nhất là khi trẻ không ăn cùng nước chấm, mùi vị của rau dường như chưa đủ để kích thích trẻ gắp thêm lần nữa. Trẻ sẽ không ăn rau vì đơn giản nó chẳng thấy ngon gì cả.
- Chế biến ít đa dạng.
Món rau thường kém hấp dẫn hơn các món khác
Việc chế biến các món rau tương đối đơn giản và nhanh. Vì sự ít đa dạng này mà món rau không được trẻ chú ý mấy. Bày đĩa rau muống luộc trước mặt, đảm bảo trẻ sẽ không bao giờ tự gắp trừ khi cha mẹ ép chúng ăn.
- Không phải loại rau con thích.
Cha mẹ cũng có những món không phải sở trường. Nhiều người đi ăn phở vẫn kêu cô bán hàng đừng cho hành và rau thơm đấy thôi. Nên có thể không phải trẻ không chịu ăn rau, mà nó không thích loại rau đó.
- Bố mẹ không chịu ăn rau.
Cả nhà ăn sao thì trẻ ăn vậy. Thói quen ăn uống mang tính chất gia đình là có thật. Nên nếu thấy bố mẹ không ăn rau, sẽ chẳng lý do gì để trẻ thấy món rau đáng ăn cả.
Trẻ ăn ít rau có sao không?
Rau là một trong 4 nhóm thực phẩm chính rất tốt cho sức khỏe. Nên trường hợp trẻ ăn ít rau sẽ “có sao” đấy mẹ ạ. Cụ thể:
- Trẻ thiếu vi chất.
Các loại rau củ quả là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tuyệt vời. Ví dụ các loại rau củ có màu vàng, đỏ, da cam có chứa nhiều beta caroten (tiền chất vitamin A). Vitamin C với vai trò tăng sức đề kháng, chống oxy hoá cũng được bổ sung chủ yếu từ các loại rau như rau cải, rau ngót, rau muống, mồng tơi. Trong rau cũng chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kali, canxi, magie, kẽm, sắt.
Trẻ lười ăn rau dẫn tới thiếu vitamin và khoáng chất
Thiếu vi chất cần thiết sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
- Trẻ bị táo bón.
So với thiếu vi chất, khi trẻ ít ăn rau các vấn đề về tiêu hoá sẽ hay gặp hơn. Điển hình phải kể đến là táo bón.
Trong rau chứa lượng chất xơ và nước đáng kể, có vai trò giúp nhuận tràng, kích thích làm tăng nhu động ruột nên hỗ trợ tiêu hoá hiệu quả. Ngoài ra, thành phần pectin còn có tác dụng hấp phụ các độc tố để bài tiết ra ngoài qua phân. Một số chất xơ hoà tan có trong rau còn là nguồn thức ăn ưa thích của lợi khuẩn sinh sống trong đường ruột. Do đó thúc đẩy hệ vi sinh vật ở đây phát triển cân bằng, ổn định.
Trẻ lười ăn rau dễ bị táo bón
Như vậy, khi trẻ ăn ít rau đồng nghĩa với lượng nước và chất xơ ít đi sẽ dễ bị táo bón và các tình trạng rối loạn tiêu hoá khác.
>> Xem thêm Vai trò chất xơ quan trọng như thế nào mà lại cần bổ sung mỗi ngày?
- Tăng nguy cơ béo phì.
Chế độ ăn thiếu cân đối, ít rau, nhiều thịt và chất béo sẽ làm tăng nguy cơ trẻ béo phì. Tình trạng thừa cân ở trẻ em Việt Nam đang gia tăng ở cả thành thị lẫn nông thôn một phần do chính thói quen ăn ít rau của trẻ.
Vậy làm sao để trẻ không lười ăn rau nữa?
Việc ép trẻ ăn ngày này qua ngày khác chỉ càng làm trẻ thấy chán ghét món rau. Thay vào đó cha mẹ hãy thì áp dụng những cách dưới đây.
Giải pháp giúp trẻ yêu rau hơn.
- Trang trí hấp dẫn.
Mẹ hãy làm cho món rau nhàm chán mọi ngày trở nên bắt mắt và hấp dẫn hơn bằng cách trang trí, cắt tỉa rau củ thành những hình ngộ nghĩnh, đáng yêu mà trẻ thích. Mẹ có thể kết hợp thêm với thực phẩm khác để tạo ra những món ăn đầy màu sắc không thể chối từ.
Các món rau trang trí đẹp mắt giúp trẻ hứng thú hơn
- Tìm loại rau trẻ thích.
Đừng suốt ngày chỉ cho trẻ ăn một vài loại rau. Mẹ hãy thử cho trẻ ăn đa dạng các loại, để biết đâu con có thể tìm ra được món rau chân ái của mình. Đây cũng là cách để mẹ hiểu hơn về sở thích của con.
- Chế biến đa dạng, kết hợp các thực phẩm.
Mẹ thử kết hợp rau vào thêm các món mà trẻ thích hoặc cho trẻ ăn rau cùng các loại nước sốt để tăng thêm hương vị. Những loại rau củ như cà rốt, dưa chuột, củ cải, su hào, ngô… mẹ có thể cắt nhỏ thành hạt lựu sau đó trộn với sốt thành salad cho trẻ ăn.
- Cho trẻ tham gia nấu ăn.
Trẻ tham gia nấu ăn sẽ mong chờ được thưởng thức thành quả
Hãy rủ con cùng tham gia nấu ăn từ những công việc đơn giản như nhặt rau, rửa. Hay đơn giản là đưa con cùng đi chợ, đến cửa hàng rau và để con lên thực đơn cho ngày hôm đó. Trẻ sẽ đã bỏ tâm sức vào món ăn nên sẽ rất hào hứng để thưởng thức thành quả của mình.
- Làm gương cho trẻ.
Muốn trẻ ăn rau, trước hết cha mẹ cần là người tiên phong. Hãy trở thành tấm gương cho con. Cha mẹ có ăn rau thì con mới nhìn vào đó và học tập theo.
Cha mẹ ăn rau để làm gương cho trẻ
Nếu con bạn đang trở nên lười ăn rau, đừng ép chúng ăn mà thử áp dụng những cách làm trên. Một ngày không xa con sẽ tự giác ăn rau một cách ngon lành đấy.