Dùng điều hoà cho trẻ như thế nào để trẻ không bị ốm?
Hè đến cũng là lúc mà điều hoà là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không đều không quan trọng. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, sức chịu đựng có hạn, nên kiểu gì cũng được sắm một chiếc điều hòa trong phòng ngủ để chúng dễ chịu và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên nếu cha mẹ sử dụng không đúng cách thì ngược lại có thể khiến trẻ bị ốm, nhất là trên đường hô hấp. Vậy dùng điều hoà cho trẻ cần lưu ý gì?
Dùng điều hoà cho trẻ như thế nào để trẻ không bị ốm?
Bạn có biết dùng điều hoà là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về đường hô hấp, khô da, và giảm khả năng thích ứng với nhiệt vào mùa nóng. Do đó, để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực này, cần sử dụng điều hòa đúng cách. Dưới đây là những lưu ý dành cho cha mẹ.
Nhiệt độ điều hoà
So với việc đối mặt với thời tiết oi nóng thì để trẻ ngồi phòng điều hoà vẫn tốt hơn. Tuy nhiên nhiệt độ trong phòng quá lạnh sẽ khiến trẻ giảm thân nhiệt và dễ bị ốm. Nghiên cứu của Trung tâm y tế bang Louisiana, Mỹ, cho thấy không khí lạnh giúp một số tác nhân gây bệnh hô hấp dễ sinh sôi hơn.
Như vậy nhiệt độ điều hoà cần đặt ở mức phù hợp. Vào những ngày càng nóng, nhiệt độ ngoài trời càng cao thì chúng ta phải đặt ở mức nhiệt thấp hơn mới cảm thấy mát. Thông thường nên để nhiệt độ phòng thấp hơn 8-10 độ so với bên ngoài, hoặc duy trì khoảng 26-28 độ C. Buổi tối thường lạnh hơn ban ngày nên cha mẹ cần chú ý điều chỉnh mức nhiệt cân đối để trẻ không bị nóng hay bị nhiễm lạnh.
Nên đặt nhiệt độ điều hoà thấp hơn môi trường từ 8-10oC
Tốt nhất nên dùng một chiếc nhiệt kế trong phòng để biết được sự thay đổi nhiệt độ.
Thời gian trẻ ở phòng điều hoà
Ngồi điều hoà quá lâu sẽ khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị khô, nên khả năng chống lại vi khuẩn xâm nhập cũng giảm đi. Đây là lý do vì sao trẻ thường bị viêm họng, viêm thanh quản, ho, khò khè, nghẹt mũi.
Ngoài ra, trẻ suốt ngày trong phòng điều hoà sẽ dần quen và giảm khả năng thích ứng với nhiệt. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị sốc nhiệt.
Do đó cha mẹ không nên lạm dụng điều hoà. Chỉ để trẻ ở phòng điều hoà giới hạn trong khoảng 3-4 tiếng, đừng quá lâu. Khi thời tiết không quá oi bức, hãy sử dụng quạt để làm mát cho trẻ.
Không nên cho trẻ ở phòng điều hoà quá lâu
Nếu trẻ bị khô mũi có thể làm dịu bớt bằng cách nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Hoặc có thể đặt những chậu nước nhỏ trong phòng để cung cấp độ ẩm, tránh không khí quá khô. Bên cạnh đó cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước do trời nắng nóng.
>> Xem thêm Lưu ý khi chăm sóc trẻ vào mùa nắng nóng
Hướng gió điều hoà
Luồng gió lạnh của điều hoà mà thốc thẳng vào trẻ sẽ rất nguy hiểm. Trẻ dễ bị nhiễm lạnh và bị ốm.
Vì thế cha mẹ nên lắp điều hoà trên cào và để trẻ nằm xa luồng gió này. Bên cạnh đó, có thể đắp cho trẻ một lớp chăn mỏng từ khuỷu tay trở xuống để trẻ tránh bị lạnh. Với trẻ sơ sinh vẫn nên dùng bao tay, bao chân có chất liệu vải thoáng mát.
Tránh để luồng gió điều hoà thốc thẳng vào trẻ
Trước khi ra khỏi phòng điều hoà
Đang ở phòng điều hoà mà đưa trẻ ra ngoài luôn sẽ dễ khiến trẻ bị sốc nhiệt do sự chênh lệch nhiệt độ. Nên cha mẹ cần lưu ý nếu muốn đưa con ra ngoài, sau khi tắt điều hoà, cần để trẻ ở trong phòng một lúc cho nhiệt độ dần tăng lên gần nhiệt độ ngoài trời. Nhờ đó giúp trẻ thích nghi tốt hơn và không bị sốc nhiệt.
Sau khi tắt điều hoà, để trẻ trong phòng một lúc trước khi ra ngoài
Vệ sinh điều hoà
Vệ sinh điều hòa định kỳ sẽ giúp hạn chế được vi khuẩn xâm nhập. Việc này giúp luồng khí trong lành hơn và điều hoà cũng hoạt động tốt hơn.
Vệ sinh điều hoà định kỳ để tránh nhiễm khuẩn
Điều hoà là giải pháp hữu hiệu giúp trẻ dễ chịu trong tiết trời oi nóng. Tuy nhiên để con không bị khô da, sốc nhiệt hay mắc các bệnh đường hô hấp thì cha mẹ cần thực hiện đúng những lưu ý ở trên nhé.