Mách mẹ cách chọn ghế ăn dặm cho trẻ phù hợp
Trẻ trong độ tuổi ăn dặm (trên 6 tháng) đã có thể ngồi khá vững. Khi đó thay vì cứ bế con để bón ăn như mọi khi, mẹ cho con ngồi vào một chiếc ghế để trẻ khám phá đồ ăn là một ý tưởng thực sự tuyệt vời. Đây chính là lúc mẹ cần đến một chiếc ghế ăn dặm cho trẻ. Bài viết này sẽ giúp mẹ tìm được loại ghế phù hợp.
Ghế ăn dặm có công dụng gì?
Giữa một rừng kinh nghiệm của các mẹ bỉm xưa và nay, có rất nhiều phương pháp ăn dặm cho trẻ. Nào là ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm tự chỉ huy, hay ăn dặm truyền thống.
>> Xem thêm Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW
Tuy nhiên dù là kiểu gì đi chăng nữa thì một chiếc ghế ăn dặm đều khá hữu ích. Một số công dụng đó là:
- Giúp trẻ tự giác, tập trung ăn
Trẻ được bế hiếm khi ngồi yên cho người lớn bón. Nhưng cho chúng ngồi vào ghế ăn dặm thì lại khác. Ghế có thiết kế chắc chắn giúp cố định trẻ trong một khoảng không gian. Nhờ vậy trẻ sẽ bớt ngọ nguậy và tập trung, chú ý ăn.
Ghế ăn dặm giúp trẻ tập trung ăn
Hơn nữa, ghế ăn dặm với kiểu dáng đa dạng giống như một món đồ chơi, trẻ sẽ nhanh chóng làm quen với người bạn này. Khi đó, cứ thấy mẹ mang bạn ý ra là trẻ biết đã đến giờ ăn rồi. Điều này giúp hình thành tính tự giác và kỷ luật trong giờ ăn.
- Giúp trẻ tự do khám phá đồ ăn trong “khuôn khổ”
Thoạt nghe thì hơi vô lý nhưng đúng như thế đấy mẹ ạ. Mẹ đã từng cho con thử những “món ăn bốc” finger food chưa? Hay phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW?
>> Xem thêm Những món ăn bốc cho trẻ chưa mọc răng, tại sao không?
Đơn giản thôi, chỉ cần đặt con vào ghế ăn dặm và chuẩn bị cho chúng những món ăn phù hợp, bắt mắt. Sau đó để trẻ khám phá và lựa chọn ăn món mình thích. Trẻ sẽ tự do ăn uống hơn, nhưng vẫn không nằm ngoài tầm kiểm soát của mẹ.
Ghế ăn dặm giúp trẻ tự do khám phá đồ ăn
- Giúp trẻ hứng thú ăn
Nhờ có người bạn ghế ăn dặm, mà mỗi giờ ăn của trẻ trở nên hứng thú, vui vẻ hơn rất nhiều. Trẻ cảm giác không bị gò bó như trước nữa nên rất thích.
- Cả nhà có thể ăn cùng nhau
Đến bữa ăn mà người ăn trước, người ăn sau để bế cháu thì thật tẻ nhạt và còn gọi gì là không khí gia đình nữa đúng không mẹ? Lúc này, có chiếc ghế ăn dặm cho con ngồi vào đó hoá ra lại hay. Cả nhà không cần cử ai để trông trẻ nữa mà có thể cho trẻ ngồi cùng bàn để ăn chung. Bữa ăn giờ đây trở nên ngon lành và vui vẻ hơn biết bao.
Tiêu chí chọn ghế ăn dặm phù hợp
Ghế ăn dặm với nhiều lợi ích được các mẹ khá ưa chuộng. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại ghế với màu sắc, thiết kế đa dạng cho mẹ tha hồ lựa chọn. Tuy nhiên, mẹ đang băn khoăn không biết như thế nào mới phù hợp cho trẻ. Đừng lo, những tiêu chí dưới đây sẽ giúp mẹ.
Tiêu chí nào giúp mẹ tìm được ghế ăn dặm phù hợp?
- Loại ghế
Thông thường ghế ăn dặm được chia thành 2 loại: ghế thấp và ghế cao.
Ghế thấp thường phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi, còn ghế cao có thể trẻ lớn hơn vẫn dùng được.
Ghế cao được ưa chuộng hơn ở phương Tây do đặc điểm bàn ăn thường cao. Còn đối với Việt Nam, ghế thấp được sử dụng nhiều hơn.
Có những loại ghế có thể điều chỉnh được các mức độ cao thấp khác nhau của ghế để phù hợp với từng lứa tuổi.
Cũng có những loại ghế thấp cố định có thêm đai để mẹ có thể buộc chắc chắn vào 1 ghế khác để tạo thành ghế cao hơn cho trẻ ngồi.
- Chất liệu
Ghế ăn dặm thường được làm từ các chất liệu nhựa, gỗ và kim loại.
Nhựa có ưu điểm là sạch sẽ, dễ lau chùi, gọn gàng và dễ di chuyển. Tuy nhiên nhựa lại kém bền hơn gỗ.
Ghế ăn dặm bằng nhựa có ưu điểm sạch và gọn nhẹ
Gỗ bền hơn, nhưng tương đối nặng, cồng kềnh và khó di chuyển. Một số loại gỗ khi dính nước cũng rất dễ bị hỏng.
Kim loại cũng được sử dụng để làm ghế ăn dặm. Nhưng thường ứng dụng để làm chân của ghế nhựa nhằm giúp tăng thêm độ chắc chắn cho ghế.
- Khay ăn
Hầu như loại ghế ăn dặm nào cũng sẽ đi kèm theo khay ăn. Đó có thể là loại khay liền luôn vào ghế hoặc khay tháo rời được.
Loại khay liền mặc dù thiết kế đơn giản, nhưng do liền một khối nên lại khó vệ sinh. Điều này có thể được khắc phục bằng loại ghế ăn dặm có khay tháo rời. Khi tháo ra được thì sẽ dễ lau rửa hơn. Ngoài ra, cũng có thể thay bằng khay khác cùng cỡ.
Một lưu ý nữa cho mẹ khi chọn khay đó là phần gờ của khay. Nếu gờ được thiết kế cao sẽ giúp hạn chế thức ăn rơi xuống sàn.
- Đế để chân
Ghế ăn dặm nếu không có đế để chân sẽ nhẹ nhàng và gọn nhẹ hơn. Tuy nhiên, nếu có phần này, trẻ sẽ ngồi ăn với tư thế tốt hơn. Khi trẻ lớn hơn một chút cũng sẽ thích vừa ngồi vừa gác chân lên đế này.
Ghế ăn dặm không có đế để chân gọn hơn nhưng trẻ lớn thường không thích
- Đai định hình
Đây là bộ phận đảm bảo an toàn cho trẻ. Đai định hình càng có nhiều điểm thì càng vững chắc. Ví dụ đai 5 điểm, trông sẽ hơi loè xoè nhưng an toàn hơn và tương đối phù hợp với những bé nhỏ mới tập ăn dặm và ngồi chưa vững hẳn. Còn đối với trẻ ngồi tốt rồi thì đai 3 điểm cũng đủ để đảm bảo an toàn.
- Vệ sinh
Đây là vấn đề mẹ cần đặc biệt quan tâm. Việc đảm bảo sạch sẽ cho trẻ khi ăn rất quan trọng. Do đó mẹ nên chọn loại ghế dễ vệ sinh. Những loại này thường là có lớp lót bằng nilon, hoặc nhựa không thấm nước. Bên cạnh đó, càng nhiều tính năng, càng nhiều bộ phận thì ghế ăn dặm cũng sẽ khó vệ sinh hơn. Nên mẹ đừng quá tham nhiều công năng mà quên mất rằng mình sẽ phải lau rửa nó thường xuyên đấy nhé.
- Giá thành
Ghế ăn dặm có thể dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nhiều công năng tích hợp thì giá lại càng cao, tất nhiên rồi. Tuy nhiên, loại ghế đắt nhưng chưa chắc đã cần thiết và phù hợp với trẻ. Nói chung ghế đảm bảo an toàn và vệ sinh là quan trọng nhất, sau đó tuỳ vào kinh tế từng nhà mà lựa chọn loại hợp lý mẹ nhé.
Giá thành ghế ăn dặm dao động từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu
Lời khuyên dành cho mẹ
Đến đây mẹ đã thấy được lợi ích của ghế ăn dặm và muốn tậu ngay cho bé cưng nhà mình một chiếc. Ghế thì có nhiều loại nhưng không phải trẻ nào cũng dùng giống nhau mà còn tuỳ thuộc vào cách ăn dặm nữa. Nhưng nhìn chung, kinh nghiệm của các mẹ bỉm là mẹ nên chọn loại có chất liệu nhựa, khay tách rời được, có đế để chân, và an toàn. Công năng nhiều không quan trọng bằng việc dễ vệ sinh và giá cả hợp lý.
Chúc mẹ sẽ tìm được chiếc ghế ăn dặm vừa vặn với bé nhà mình.
Tham khảo: Mầm Nhỏ