Trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì để nhanh khỏi?
Chảy máu cam là hiện tượng chảy máu từ các mô bên trong mũi (màng nhầy mũi) do vỡ mạch máu. Tình trạng này rất hay gặp ở trẻ. Để điều trị chảy máu cam hiệu quả, ngoài một số biện pháp cầm máu, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ cho cha mẹ biết trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì để nhanh khỏi.
1. Vì sao trẻ bị chảy máu cam?
Chảy máu cam thường gặp ở trẻ từ 3-10 tuổi và không phải là vấn đề nghiêm trọng. Hầu hết trường hợp, chảy máu cam xảy ra ở phần gần với lỗ mũi. Do đây là nơi có nhiều mạch máu nhỏ li ti, và dễ dàng bị tổn thương.
Chảy máu cam thường gặp ở trẻ từ 3-10 tuổi
Trẻ rất dễ bị chảy máu cam khi thời tiết khô, hoặc vào mùa đông. Nguyên nhân là do thời tiết khô hoặc khí nóng bên trong gây kích ứng và làm khô niêm mạc mũi. Điều này dẫn tới hình thành các vảy, có thể kèm theo ngứa bên trong mũi. Khi trẻ gãi hoặc ngoáy mũi sẽ bị chảy máu. Cảm lạnh thông thường cũng có thể khiến lỗ mũi kích ứng và chảy máu do xì mũi quá nhiều. Đây là lý do tại sao khi trẻ bị cảm lạnh vào mùa khô thường bị chảy máu cam.
Dị ứng cũng có thể là nguyên nhân. Ví dụ như khi con bạn được bác sĩ kê cho một số loại thuốc như thuốc chống dị ứng hoặc làm thông mũi để điều trị ngứa, sổ mũi, ngạt mũi. Các loại thuốc này có thể làm cho niêm mạc mũi bị khô và dẫn tới chảy máu cam.
Trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì để nhanh khỏi?
Một số trẻ bị chấn thương ở vùng mặt khiến mũi bị tổn thương và chảy máu. Tuy nhiên, vấn đề thường không nghiêm trọng và thường hết sau 10 phút.
2. Phải làm gì khi trẻ bị chảy máu cam?
Khi gặp 1 đứa trẻ đang chảy máu mũi, điều đầu tiên cần làm là hãy bình tĩnh và trấn an trẻ. Tiếp theo áp dụng các bước dưới đây:
- Để trẻ ngồi thẳng lên ghế hoặc lên đùi bạn, đầu hơi nghiêng về phía trước. Nhiều cha mẹ hay bảo trẻ ngửa cổ lên để máu không chảy ra nữa. Tuy nhiên việc làm này là không đúng. Vì khi đó máu có thể chảy ngược vào cổ họng gây khó chịu, buồn nôn, ho, hoặc thậm chí là gây sặc. Như vậy, trẻ bị chảy máu cam tuyệt đối không ngửa đầu về phía sau.
Khi trẻ bị chảy máu cam, nên nghiêng đầu trẻ về phía trước
- Dùng khăn giấy hoặc khăn sạch nhẹ nhàng bóp phần mềm của mũi ngay dưới xương sống để cầm máu. Giữ tư thế này trong khoảng 10 phút để đảm bảo máu ngừng chảy hoàn toàn.
- Cho trẻ thư giãn, dạy trẻ không được gãi hay ngoáy mũi nữa.
3. Trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì?
Sau bước cầm máu, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để giúp con mau hồi phục và phòng tránh tái phát. Dưới đây là những nhóm thực phẩm rất tốt cho trẻ bị chảy máu cam.
3.1. Thực phẩm giàu Vitamin C
Bạn đã từng nghe nói đến bệnh Scorbut? Đây là một bệnh lý do thiếu vitamin C dẫn đến tình trạng xuất huyết. Bình thường vitamin C có vai trò làm bền thành mạch máu, tăng sức đề kháng. Do đó, khi cơ thể thiếu hụt, mạch máu dễ bị tổn thương và dẫn tới chảy máu. Chảy máu cam cũng là một dạng xuất huyết. Do đó việc bổ sung đủ vitamin C cho trẻ sẽ giúp mạch máu được bền vững và phòng tránh được nguy cơ tái phát.
Các nguồn thực phẩm giàu vitamin C là các loại quả họ cam như cam, quýt, bưởi; hay các loại dâu, ổi, cà chua, cải bắp, súp lơ, rau muống, rau ngót, khoai tây,...
Trẻ bị chảy máu cam nên ăn thực phẩm giàu vitamin C
Cha mẹ cũng có thể bổ sung vitamin C cho trẻ bằng viên C sủi. Tuy nhiên cần lưu ý bảo quản cẩn thận vì vitamin C rất dễ bị oxy hoá khi gặp không khí. Ngoài ra, viên C sủi thường có vị khá chua nên cần pha với tỷ lệ nước hợp lý theo hướng dẫn và cho trẻ uống sau bữa ăn, khi bụng không rỗng.
3.2. Thực phẩm giàu Sắt
Sắt là thành phần tham gia cấu tạo nên tế bào máu nên việc bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt sẽ giúp bù vào lượng máu trẻ bị mất đi do chảy máu cam. Đặc biệt với những trẻ dễ bị chảy máu cam, nguy cơ thiếu máu là rất cao, với các biểu hiện cơ thể mệt mỏi, da xanh xao. Khi đó, sắt là một trong số các nguyên liệu để sản xuất ra tế bào máu đủ cho hoạt động của cơ thể.
Các thực phẩm giàu sắt là nội tạng động vật như gan, tim; các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu; trứng; hải sản; các loại đậu.
>> Xem thêm Trẻ thiếu máu nên ăn gì? Mẹ đừng bỏ qua những thực phẩm này
3.3. Thực phẩm giàu vitamin K
Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Khi thành mạch tổn thương và máu chảy ra, cơ thể sẽ kích hoạt chương trình này để cầm máu. Do đó, trẻ cần có đầy đủ vitamin K để đông máu diễn ra bình thường và ngăn ngừa tình trạng chảy máu quá mức.
Cha mẹ có thể bổ sung vitamin K cho trẻ thông qua các thực phẩm như cải bắp, súp lơ, bơ, măng tây, cà chua.
Thực phẩm giàu vitamin K cũng rất tốt cho trẻ bị chảy máu cam
3.4. Thực phẩm giàu Kali
Thiếu kali có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị khô mũi, nên càng dễ bị chảy máu cam hơn. Nguyên nhân là do kali tham gia vào điều hoà cân bằng chất lỏng trong cơ thể, đảm bảo cho các mô có đủ nước.
Nói đến các thực phẩm giàu kali thì chuối là số một. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cho trẻ ăn sữa chua, cá, ngao, bơ, cà rốt, cà chua.
3.5. Thực phẩm giàu Vitamin A
Vitamin A có vai trò bảo vệ sự toàn vẹn của các tổ chức biểu mô dưới da, trong đó có niêm mạc mũi. Khi thiếu vitamin này, sản xuất niêm mạc sẽ giảm và niêm mạc bị khô, sừng hóa. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị chảy máu cam.
Một số thực phẩm giàu vitamin A như trứng, cá, tôm, thịt, gan, rau muống, rau ngót, rau dền, gấc, cà rốt, đu đủ, xoài,...
4. Trẻ bị chảy máu cam nên kiêng gì?
Bên cạnh các nhóm thực phẩm nên cho trẻ ăn ở trên, cha mẹ cũng cần chú ý tránh các loại đồ ăn nhanh và thực phẩm cay nóng.
Trẻ bị chảy máu cam nên kiêng những thực phẩm cay nóng
Đồ ăn nhanh nhiều chất béo no và muối không đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe của trẻ. Cùng với đó thực phẩm cay nóng càng dễ khiến trẻ dễ bị chảy máu cam hơn do gây nóng trong. Như vậy, muốn trẻ nhanh hồi phục, không nên cho trẻ ăn những loại đồ ăn này cha mẹ nhé.