Lịch trình cho bé ăn từ lúc mới sinh đến khi tròn 1 tuổi
Ăn, ngủ, tè, ị, lặp đi lặp lại. Đó là tất cả vấn đề trong cuộc sống của một em bé mới chào đời. Và nếu bạn là những ông bố bà mẹ mới, có thể sẽ gặp chút khó khăn trong việc cho bé ăn. Chúng nên ăn bao nhiêu một ngày? Có nên đánh thức trẻ để cho ăn không? Tại sao lúc nào trẻ cũng đói? Và khi nào có thể cho chúng thức ăn đặc? Dường như bạn đang cần một lịch trình cho bé ăn cụ thể. Vậy thì đừng bỏ qua bài viết này.
Trẻ sơ sinh nên ăn bao nhiêu một ngày?
Lịch ăn của trẻ theo tuổi
Trong ngày tuổi đầu tiên, dạ dày của trẻ cỡ như một viên bi và chỉ chứa được khoảng hơn 1 muỗng chất lỏng một lúc. Khi chúng lớn lên, dạ dày cũng căng ra và lớn dần lên.
Có vẻ khó để biết được lượng sữa mà trẻ bú mẹ. Nhưng nếu bạn cho trẻ bú bình thì sẽ dễ đo lường hơn.
Dưới đây là gợi ý của Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ về một lịch trình cho trẻ bú bình điển hình.
Tuổi | Lượng sữa/1 lần ăn | Thức ăn đặc |
< 2 tuần | 15ml trong ngày đầu tiên, sau đó 30-90ml | Không |
2 tuần - 2 tháng | 60-120ml | Không |
2-4 tháng | 120-180ml | Không |
4-6 tháng | 120-240ml | Có thể, nếu em bé biết giữ đầu thẳng và nặng ít nhất 6kg. Nhưng bạn vẫn chưa thực sự cần cho chúng ăn thức ăn đặc. |
6-12 tháng | 240ml | Có. Bắt đầu với thức ăn mềm, như ngũ cốc 1 loại hạt, và rau, thịt, và trái cây xay nhuyễn. Chuyển dần sang những món ăn bốc được nghiền và cắt nhỏ. Để trẻ được ăn những món mới. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. |
Tần suất cho trẻ ăn
Mỗi trẻ có một đặc điểm riêng, nhưng chắc một điều là trẻ bú mẹ bao giờ cũng ăn nhiều lần hơn trẻ bú bình. Đó là do sữa mẹ dễ tiêu hoá và tháo rỗng trong dạ dày nhanh hơn so với sữa công thức.
- Với trẻ bú sữa mẹ
Sẽ không có lúc nào cho mẹ nghỉ ngơi. Theo Liên đoàn sữa quốc tế LLLI, bạn nên bắt đầu cho con bú trong giờ đầu tiên và mỗi ngày khoảng 8-12 cữ bú trong những tuần đầu.
Mẹ nên cho con bú ngay trong giờ đầu tiên sau sinh
Đừng để quá 4 tiếng mà không cho con bú. Bạn có thể đánh thức chúng dậy nếu cần thiết, ít nhất cho đến khi chúng bú và tăng cân tốt.
Trẻ càng lớn, mẹ sẽ càng nhiều sữa. Con có thể bú lượng sữa mỗi lần nhiều hơn, và giảm số lần bú đi. Khi đó, bạn sẽ dễ dự đoán lịch trình ăn của trẻ hơn.
+ 1-3 tháng: trẻ bú 7-9 lần/ngày.
+ 3 tháng: trẻ bú 6-8 lần/ngày.
+ 6 tháng: trẻ bú khoảng 6 lần/ngày.
+ 12 tháng: số lần bú giảm xuống khoảng 4 lần/ngày. Khi bắt đầu ăn dặm vào lúc 6 tháng tuổi sẽ giúp bổ sung đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Tần suất bú kể trên có thể không đúng với mọi đứa trẻ. Vì sở thích và khả năng của trẻ là khác nhau, cũng như các nhân tố khác ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú.
- Với trẻ bú bình
Giống như trẻ bú mẹ, trẻ bú bình nên được ăn theo nhu cầu. Trung bình, mỗi lần ăn cách nhau 2-3 giờ. Dưới đây là tần suất ăn điển hình của một em bé:
+ Mới sinh: mỗi 2-3 giờ.
+ 2 tháng tuổi: mỗi 3-4 giờ.
+ 4-6 tháng tuổi: 4-5 giờ.
+ Trên 6 tháng tuổi: mỗi 4-5 giờ.
Trẻ bú bình nên được ăn theo nhu cầu
Lưu ý chung
- Trẻ dưới 1 tuổi không nên uống chất lỏng khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ví dụ nước trái cây và sữa bò không cung cấp dinh dưỡng phù hợp và còn có thể gây khó chịu cho dạ dày của bé. Đối với nước lọc, bạn có thể cho trẻ uống khi 6 tháng tuổi. Lúc này cũng nên bắt đầu sử dụng cốc.
- Đừng thêm ngũ cốc vào bình sữa. Vì có thể gây tắc đường thở. Với trẻ dưới 4 tháng tuổi, hệ tiêu hoá chưa đủ khoẻ để tiêu hoá ngũ cốc. Ngoài ra, lượng thức ăn này đôi khi là quá nhiều so với nhu cầu của trẻ.
- Đừng cho trẻ ăn mật ong dưới bất cứ dạng nào trước khi được 1 tuổi. Vì mật ong có thể gây ngộ độc botulinum ở trẻ sơ sinh.
- Điều chỉnh kỳ vọng của bạn dựa trên mỗi em bé và nhu cầu của chúng. Với những trẻ sinh non, cần dựa trên tuổi điều chỉnh theo thực tế để đưa ra lịch ăn phù hợp. Nếu trẻ gặp phải tình trạng nôn trớ hoặc không tăng cân, bạn có thể cần gặp chuyên gia dinh dưỡng để có được giải pháp phù hợp.
Làm cách nào để tạo lịch ăn cho trẻ?
Con ăn đúng giờ giấc là điều mỗi cha mẹ đều mong muốn. Trẻ sẽ bắt đầu thích bú một cách tự nhiên khi dạ dày của chúng lớn lên và trẻ bú được nhiều sữa mẹ hoặc sữa công thức hơn. Điều này có thể xảy ra khi trẻ được 2-4 tháng tuổi.
Dù là vậy, bạn cũng cần nhận biết được các dấu hiệu đói của trẻ:
- Trẻ rúc quanh ngực của bạn và lần tìm bầu vú.
- Cho nắm tay vào miệng.
- Vỗ hoặc liếm môi.
- Quấy khóc và nhanh chóng kêu lên.
Mẹ cần nhận ra những dấu hiệu cho thấy trẻ đang đói
Khi trẻ được vài tháng tuổi, bạn có thể đưa ra lịch trình ăn ngủ phù hợp với cả hai mẹ con.
Ví dụ, con bạn được 4 tháng tuổi, và cứ mỗi 5 tiếng lại bú một lần. Như vậy nếu bạn cho con ăn lúc 9h tối, thì 2h sáng con sẽ dậy và đòi ăn. Nhưng nếu bạn đánh thức và cho con ăn vào lúc 11h tối, trước khi bạn đi ngủ, thì khoảng 4h sáng con mới dậy ăn tiếp. Nhờ vậy mà bạn sẽ chợp mắt được nhiều hơn.
Làm gì khi trẻ vẫn đói?
Thông thường, nếu trẻ đói thì hãy cho chúng ăn. Có một số giai đoạn tăng trưởng mà em bé sẽ có biểu hiện ăn nhiều hơn. Đó là vào thời điểm 3 tuần, 3 tháng hoặc 6 tháng tuổi.
Một số trẻ cũng sẽ bú theo từng đợt, nghĩa là chúng sẽ bú nhiều trong thời điểm này và bú ít hơn ở thời điểm khác. Ví dụ, con bạn có thể bú chủ yếu vào buổi chiều muộn, vào tối. Đến đêm chúng sẽ ngủ lâu hơn. Điều này phổ biến hơn ở trẻ bú mẹ.
Trẻ bú nhiều có sao không?
Bạn lo lắng con bú quá nhiều? Mặc dù thực sự khó xảy ra tình trạng này với trẻ bú mẹ, nhưng với trẻ bú bình là có thể. Trẻ bú bình bú nhiều đôi khi không phải chúng đói mà vì điều này làm chúng thoải mái. Do đó bạn cần quan sát các dấu hiệu đói của trẻ và đến gặp chuyên gia dinh dưỡng nếu cho rằng con đang ăn quá mức.
Bắt đầu đồ ăn đặc như thế nào?
Con bạn có thể sẵn sàng ăn đồ ăn đặc hơn khi chúng được 4-6 tháng tuổi và có một số biểu hiện:
- Kiểm soát đầu tốt.
- Thích thú với thức ăn người lớn.
- Với theo đồ ăn.
- Nặng từ 6kg trở lên.
Cho trẻ ăn dặm khi chúng sẵn sàng
Chúng nên bắt đầu từ đâu? Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng thứ tự các món ăn không phải là vấn đề. Nguyên tắc duy nhất là: cho trẻ ăn 1 loại nào đó trong 3-5 ngày trước khi đổi sang món khác. Để nếu trẻ bị dị ứng (với dấu hiệu đầu tiên là nổi ban đỏ, tiêu chảy, buồn nôn), thì bạn sẽ biết được thủ phạm là thực phẩm nào.
Khi trẻ lớn hơn, khoảng 8-10 tháng tuổi, hãy chuyển từ đồ ăn xay nhuyễn sang các loại lợn cợn hơn, ví dụ chuối nghiền, trứng đảo, hoặc mì ống nấu chín, cắt nhỏ.
Nếu bạn muốn tự chế biến đồ ăn cho con, hãy tránh dùng thêm đường và muối. Thêm vào đó, đừng cho trẻ ăn thứ gì có nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở. Đó là:
- Đồ ăn cứng như ngô, các loại hạt.
- Trái cây tươi, cứng như táo. Tốt nhất nên nấu mềm hoặc thái thành những miếng nhỏ.
- Thịt sống và chưa được băm rất nhỏ, kể cả xúc xích.
- Miếng pho mát.
- Bơ đậu phộng.
Cần lưu ý một số thực phẩm dễ gây hóc
Khi trẻ được gần 1 tuổi, chúng nên ăn đa dạng thực phẩm và rơi vào khoảng 120g đồ ăn rắn mỗi bữa. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức. Đến khoảng 8 tháng trẻ sẽ bú được tầm 850ml sữa một ngày.
Một số vấn đề khác
Trẻ không phải là một cỗ máy. Một số đứa sẽ tăng cân dễ dàng, nhưng cũng có trẻ gặp vấn đề. Việc tăng cân của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi:
- Dị tật bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch khó cho ăn.
- Không dung nạp protein trong sữa.
- Sinh non.
- Bú bình hoặc bú mẹ.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2012 trên hơn 1,800 trẻ sơ sinh được bú bình, dù bình chứa sữa mẹ hay sữa công thức, thì trong năm đầu tiên đều tăng cân hơn so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn.
Nếu lo lắng về cân nặng của con, bạn hãy đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để có được tư vấn phù hợp.
Kết luận
Cho trẻ ăn bao nhiêu, khi nào và như thế nào là lo lắng hàng đầu của các bậc cha mẹ. Nhưng có một tin tốt là hầu như đứa trẻ nào cũng cho bạn biết khi nào chúng cảm thấy đói hoặc no. Do đó, điều bạn cần làm là nhận ra các dấu hiệu này, và cung cấp cho con thức ăn phù hợp vào đúng thời điểm.