Mối nguy khi bổ sung thừa vitamin A cho trẻ
Vitamin A có mặt trong rất nhiều nguồn thực phẩm như gan, sữa, dầu cá, vitamin tổng hợp và một số đồ ăn có tăng cường vitamin. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ trẻ thiếu vi chất này. Tuy nhiên đi kèm với đó là mối nguy khi bổ sung thừa vitamin A cho trẻ. Biểu hiện của thừa vitamin A có thể chỉ là những triệu chứng nhẹ như đau đầu, khô da. Tuy nhiên về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.
Vai trò của vitamin A đối với trẻ
Vitamin A là chất thuộc nhóm vitamin tan trong dầu, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng.
Mắt cần vitamin A để có thể nhìn được khi ánh sáng yếu. Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến tình trạng quáng gà.
Vitamin A đảm nhận nhiều chức năng quan trọng
Các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn,... nếu không có vitamin A sẽ giảm sản xuất các niêm mạc, da bị khô và xuất hiện sừng hoá. Hậu quả là các tế bào biểu mô bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Với trẻ nhỏ, vitamin A còn có một vai trò vô cùng quan trọng. Đó là tham gia vào các quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể và giúp tăng sức đề kháng. Do đó, trẻ thiếu vitamin A dễ mắc bệnh hơn, và nếu bị bệnh thì thường nặng hơn.
Mối nguy khi trẻ thừa vitamin A
Trẻ rất cần vitamin A. Do đó, để giảm thiểu tỷ lệ thiếu vi chất này, hàng năm Bộ Y tế tổ chức 2 đợt uống vitamin A liều cao cho trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, kinh tế dư dả cộng với sự sẵn có của các sản phẩm bổ sung vitamin A trên thị trường, nhiều trẻ đang đối mặt với nguy cơ thừa vitamin A. Và giống như khi thiếu, thừa cũng nguy hiểm.
Thừa vitamin A trẻ có thể bị ngộ độc
Vitamin A là vitamin tan trong dầu, nên khi thừa sẽ không được đào thải ra ngoài qua nước tiểu mà tồn đọng trong cơ thể và gây hại. Thừa vitamin A có thể làm tăng áp lực nội sọ với biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn. Đi kèm với đó là một số triệu chứng như thóp phồng, lơ mơ, kích thích, đau bụng. Nặng hơn trẻ có thể bị hôn mê.
Bổ sung thừa vitamin A trong thời gian kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng da khô, rụng tóc, chán ăn, chậm tăng cân, loét miệng, giảm thị lực, suy chức năng gan. Sự quá thừa vitamin A mạn tính còn gây ra tình trạng đau khớp và vôi hóa xương, dẫn tới loãng xương, trẻ chậm phát triển xương.
Cách bổ sung vitamin A cho trẻ hiệu quả
Một nghiên cứu trên 3000 trẻ em tại Mỹ cho thấy 97% trẻ trong độ tuổi mới biết đi bổ sung vitamin tổng hợp bị thừa vitamin A. Thậm chí trong số trẻ không sử dụng thực phẩm chức năng, tình trạng này cũng lên tới 15%.
Nguyên nhân là do vitamin A có mặt ở khắp mọi thực phẩm và cha mẹ đang bổ sung cho trẻ sai cách.
Vitamin A có mặt trong rất nhiều nguồn thực phẩm
Thông thường vitamin A có từ 2 nguồn: động vật và thực vật. Các loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, xoài, đu đủ, dưa lưới và các loại rau lá xanh đậm chứa beta-caroten. Đây là tiền chất mà sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành tiền vitamin A. Bổ sung vitamin A từ nguồn này thường an toàn, do chuyển hóa caroten chỉ xảy ra khi có nhu cầu. Tuy nhiên, quá nhiều vitamin A từ nguồn động vật thì có thể gây hại.
Theo khuyến cáo, lượng vitamin A tối đa bổ sung cho trẻ từ 1-3 tuổi là 600 microgam/ngày (2000 IU). Con số này gần bằng hàm lượng vitamin A có trong 100g trứng gà, và chỉ bằng 1/10 trong 100g gan lợn. Những sản phẩm từ sữa như bơ, pho mát, sữa chua, sữa bột; các loại thịt gia cầm như vịt, gà; và cá cũng rất giàu vitamin A. Như vậy nếu cho trẻ ăn quá nhiều các thực phẩm này hoặc dùng thêm các loại vitamin tổng hợp sẽ dẫn đến dư thừa vitamin A. Có loại thực phẩm bổ sung còn ngọt giống kẹo nên càng làm tăng nguy cơ trẻ dùng quá nhiều.
Bổ sung vitamin A không đúng cách có thể dẫn tới tình trạng quá thừa
Như vậy để bổ sung vitamin A cho trẻ an toàn, hiệu quả, mẹ nên ưu tiên lựa chọn những loại rau củ quả giàu beta-caroten, và tránh để trẻ ăn quá nhiều vitamin A từ nguồn động vật. Chế độ ăn cũng cần phải có dầu hoặc mỡ để giúp trẻ hấp thu tốt. Cùng với đó, chỉ dùng thực phẩm bổ sung vitamin A khi trẻ thiếu và dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.