Trẻ dậy thì sớm do đâu và cần phải làm gì?
Dậy thì là giai đoạn trẻ có nhiều thay đổi về cả ngoại hình lẫn tâm lý. Nếu như lúc nhỏ cha mẹ đau đầu vì con lười ăn, thì tuổi dậy thì những vấn đề giới tính, tâm tư tình cảm lại là mối lo hàng đầu. Sẽ càng khó khăn nếu cột mốc này đến sớm hơn bình thường, khi mà cả cha mẹ và trẻ đều chưa sẵn sàng. Vậy trẻ dậy thì sớm do đâu và cần phải làm gì?
Dậy thì sớm là như thế nào?
Về mặt định nghĩa, dậy thì là quá trình trưởng thành xảy ra ở tuổi vị thành niên. Bao gồm việc xuất hiện đặc tính sinh dục thứ cấp, phát triển chiều cao và tăng trưởng nhanh. Nếu trẻ bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi với trẻ gái, và trước 9 tuổi với trẻ trai thì được coi là sớm. Tình trạng này phổ biến ở trẻ gái hơn trẻ trai và thường không rõ nguyên nhân.
Dậy thì sớm thường gặp hơn ở trẻ gái
Một số biểu hiện của dậy thì sớm như trẻ gái phát triển ngực, có huyết trắng, có kinh nguyệt, lông mu, lông nách; trẻ trai phát triển dương vật, tinh hoàn, vỡ giọng, cơ thể có mùi,... Trẻ dậy thì sớm cũng sẽ xuất hiện mụn trứng cá, và tăng chiều cao nhanh chóng.
Ngày càng có nhiều trẻ dậy thì sớm
Có những đứa trẻ mới bước vào tiểu học đã bắt đầu dậy thì. Chị H. có con năm nay mới 6 tuổi nhưng có biểu hiện huyết trắng và 2 đầu vú đau.
Theo dữ liệu quan sát được, Mỹ có từ 10-23% trẻ gái 7 tuổi bước vào giai đoạn dậy thì. Ở châu Âu, khoảng 5% trẻ gái “có ngực” trước 8 tuổi.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc phát triển ngực ở trẻ gái hiện nay sớm hơn so với thời kỳ trước.
Ngày càng có nhiều trẻ dậy thì sớm
Ảnh hưởng của dậy thì sớm
Dậy thì sớm có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cả trẻ và cha mẹ.
Một số trẻ dậy thì sớm nhưng lại nhanh chóng. Do đó mặc dù bắt đầu trước nhưng có thể tăng trưởng kém hơn những bạn cùng tuổi.
Trẻ dậy thì khi kiến thức và tâm lý chưa đủ vững vàng sẽ dễ rơi vào lo âu và trầm cảm. Trẻ cảm thấy mình khác biệt với các bạn nên thấy xấu hổ, khó hoà nhập.
Làm người lớn quá sớm cũng khiến trẻ dễ đi vào con đường sai trái. Đó là các vấn đề về lạm dụng ma túy, chất kích thích, hay quan hệ tình dục vị thành niên. Trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân do kẻ xấu dụ dỗ.
Trẻ dậy thì sớm thường xấu hổ, khó hoà đồng
Do đó nếu cha mẹ không nắm bắt được tâm lý và hỗ trợ trẻ vượt qua khủng hoảng, thì việc học tập và cuộc sống của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ dậy thì sớm
Căn nguyên thực sự của dậy thì sớm vẫn chưa được biết đến rõ ràng. Hiện nay, người ta chia dậy thì sớm thành 2 nhóm chính. Đó là nhóm trung ương và nhóm ngoại vi.
Dậy thì sớm trung ương do sự trưởng thành sớm của trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục, dẫn đến bài tiết hormon sinh dục một cách quá mức. Dậy thì sớm trung ương thường vô căn. Nhưng có một số tình trạng có thể liên quan như u não, u thần kinh đệm vùng hạ đồi, xạ trị hệ thần kinh trung ương, não úng thuỷ, bệnh lý viêm hệ thần kinh trung ương,... Dậy thì sớm cũng được cho là liên quan đến yếu tố di truyền và có tính chất gia đình.
Dậy thì sớm có thể do di truyền
Dậy thì sớm ngoại vi là hậu quả của sự tăng tiết quá mức hormon giới tính do bất thường tại tuyến sinh dục. Ví dụ các tình trạng u nang buồng trứng, u tế bào Leydig (tế bào sản xuất hormon sinh dục nam ở vùng kẽ tinh hoàn), u tuyến thượng thận,... Ngoài ra, trẻ tiếp xúc quá mức với nguồn estrogen, androgen có trong thực phẩm và mỹ phẩm cũng sẽ có xu hướng dậy thì sớm.
Bên cạnh đó, một số tác giả cho rằng dinh dưỡng là yếu tố liên quan đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Cụ thể việc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo có thể là nguyên nhân. Một số bằng chứng cho thấy trẻ gái thừa cân hoặc béo phì dễ bước vào tuổi dậy thì sớm.
Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể gây dậy thì sớm
Cha mẹ cần làm gì khi có con dậy thì sớm?
Đầu tiên cha mẹ cần phải bình tĩnh và hiểu rằng trẻ nào rồi cũng sẽ dậy thì. Việc dậy thì sớm thông thường không cần điều trị bằng thuốc. Những biện pháp tâm lý luôn là hiệu quả nhất. Cha mẹ hãy là người đầu tiên bên cạnh, chia sẻ và giúp đỡ trẻ thích nghi được với sự thay đổi của cơ thể. Hãy dạy cho con hiểu về cơ thể mình, cách bảo vệ bản thân trước những điều xấu.
Cha mẹ cần dạy cho con cách thích nghi với sự thay đổi của cơ thể
Trẻ cũng nên có một chế độ sinh hoạt hợp lý. Ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh nhiều chất béo. Ngoài ra, kết hợp với tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khoẻ.
Trong trường hợp mức độ dậy thì nhanh và ảnh hưởng lớn đến trẻ thì mới cần dùng thuốc để kìm hãm quá trình này.
Khi đó cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để đánh giá đúng tình trạng dậy thì và có biện pháp điều trị phù hợp.