Trẻ sơ sinh bị vàng da phải làm sao? Có nguy hiểm không?
Hầu hết da của trẻ mới sinh đều chuyển sang màu vàng, dù chỉ một chút. Vàng da là tình trạng rất phổ biến và thường là sinh lý của thời kỳ sơ sinh. Nhưng một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn tới hoặc cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết hôm nay sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ trẻ sơ sinh bị vàng da do đâu, phải làm sao và có nguy hiểm không?.
Trẻ sơ sinh bị vàng da do đâu?
Sắc vàng ở vàng da sơ sinh được tạo ra do nồng độ cao của bilirubin trong máu. Chất này hầu hết có nguồn gốc từ các tế bào hồng cầu vỡ. Bình thường, nó sẽ bị chuyển hóa ở gan để được đào thải dễ dàng hơn qua nước tiểu và phân.
Gan của trẻ sơ sinh cần thời gian để khởi động và vận hành khi phải loại bỏ bilirubin. Trẻ mới sinh có nhiều tế bào hồng cầu hơn trẻ lớn và người lớn. Tuy nhiên những tế bào mới toanh này lại không tồn tại được lâu. Sự kết hợp của 2 yếu tố trên là nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da trở nên vô cùng phổ biến.
Trẻ sơ sinh bị vàng da do nồng độ cao của bilirubin trong máu
Trẻ sơ sinh bị vàng da có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh bị vàng da đa phần không nguy hiểm. Vàng da thường rõ nhất trong 2-5 ngày đầu tiên sau sinh và kéo dài khoảng 1-2 tuần. Ở những trẻ bú mẹ, tình trạng này có thể lâu hơn. Cơ chế mặc dù chưa rõ ràng, nhưng không có gì phải lo lắng. Mẹ vẫn nên cho trẻ bú như bình thường.
Trẻ sơ sinh bị vàng da phải làm sao? Có nguy hiểm không?
Vàng da cũng được coi là cơ chế giúp bảo vệ trẻ sơ sinh. Vì bilirubin là một chất chống oxy hóa có khả năng chống lại nhiễm trùng. Do đó, tình trạng tạm thời này sẽ giúp các em bé của chúng ta được an toàn hơn khi mới lọt lòng.
Tuy nhiên, mặc dù hiếm gặp nhưng vàng da có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe của trẻ. Điều này xảy ra khi ngưỡng bilirubin trong máu tăng rất cao, tới mức ảnh hưởng não và có thể không hồi phục. Theo ước tính khoảng dưới 1% trẻ sơ sinh phải chịu ảnh hưởng này.
Trẻ sơ sinh bị vàng da thường không nguy hiểm
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới mức bilirubin cao. Bao gồm:
- Mất nước hoặc thiếu dinh dưỡng. Điều này thường xảy ra khi trẻ bú mẹ hoàn toàn và vấn đề xảy ra với việc cho con bú không được nhận biết.
- Hệ thống loại bỏ bilirubin chưa sẵn sàng hoạt động.
- Nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường ruột. Tuy nhiên vàng da không phải là dấu hiệu duy nhất của tình trạng này.
- Sự không tương thích nhóm máu ABO hoặc Rh. Khi mẹ và bé mang nhóm máu khác nhau, tế bào hồng cầu có thể bị vỡ nhiều hơn bình thường. Đây là điều các bác sĩ sản khoa phải chú ý và can thiệp khi cần thiết.
- Bầm tím hoặc u máu đầu (khối u hoặc vết bầm tím trên đầu). Cả 2 trường hợp này có thể xảy ra trong một ca sinh khó và là nguyên nhân dẫn tới hồng cầu bị phá vỡ nhiều hơn.
- Bệnh gan. Trẻ sơ sinh có bệnh lý về gan sẽ gặp khó khăn hơn khi loại bỏ bilirubin ra khỏi cơ thể.
- Bệnh lý làm liên quan đến hoạt động của enzyme. Một số bệnh như hội chứng Gilbert hoặc Crigler-Najjar do thiếu enzyme chuyển hóa bilirubin. Khi đó, bilirubin không được thải trừ hoàn toàn, bị ứ đọng và gây vàng da.
- Yếu tố di truyền. Vấn đề này chưa được hiểu hết. Tuy nhiên, nếu một em bé trong gia đình bị vàng da, thì khả năng cao các em bé tiếp theo cũng gặp tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, trẻ gốc ở Tây Á dường như có mức bilirubin cao hơn những vùng khác.
Trẻ sơ sinh bị vàng da phải làm sao?
Các bé sẽ được theo dõi sát sao tình trạng vàng da trong thời kỳ sơ sinh bằng xét nghiệm máu và đo nồng độ bilirubin định kỳ. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định trẻ có cần theo dõi thêm và điều trị gì không.
Trẻ sơ sinh bị vàng da cần điều trị khi bilirubin ở ngưỡng cao
Nếu trẻ cần điều trị, liệu pháp phổ biến nhất được dùng cho phần lớn trẻ sơ sinh có nồng độ bilirubin cao là chiếu đèn. Ở đó, trẻ được đặt dưới nguồn ánh sáng đặc biệt hoặc quấn trong chăn có chứa đèn bên trong. Các tia sáng này sẽ giúp cơ thể trẻ loại bỏ bilirubin một cách an toàn và hiệu quả.
>> Xem thêm Trẻ sơ sinh bị vàng da chiếu đèn bao lâu
Trong trường hợp mức bilirubin quá cao có nguy cơ tổn thương não, trẻ sẽ cần áp dụng các biện pháp như truyền máu trao đổi hoặc còn gọi là thay máu. Máu cũ được lấy ra và truyền máu mới thay thế. Tuy nhiên tình trạng này cực kỳ hiếm.
Cho trẻ ăn cũng là một giải pháp quan trọng. Việc này giúp cơ thể trẻ nhanh chóng loại bỏ bilirubin qua máu và nước tiểu. Cho trẻ sơ sinh bú thường xuyên cũng có thể ngăn ngừa một số vấn đề liên quan đến vàng da. Tốt nhất trẻ nên tè ướt bỉm ít nhất 6 lần trong 1 ngày và đại tiện thường xuyên. Bên cạnh đó phân thay đổi từ phân xu đen bình thường, đen hắc ín sang nhạt hơn, lỏng hơn và lổn nhổn cũng là dấu hiệu cho thấy bilirubin đang được loại bỏ.
Cha mẹ cần lưu ý gì khi trẻ bị vàng da sơ sinh?
Khi ra viện, cha mẹ vẫn cần theo dõi tình trạng vàng da của trẻ tại nhà. Một số trẻ có nước da sẫm màu sẽ khó quan sát hơn. Khi đó cách tốt nhất để nhận ra bé bị vàng da là dùng tay ấn một lúc lên da bé ở các vị trí gần xương như trán, mũi, ngực hoặc cẳng chân. Biện pháp này giúp máu được đẩy ra ngoài trong vài giây, nên cha mẹ sẽ nhìn thấy rõ hơn. Nếu da có màu vàng thay vì nhợt nhạt thì có thể trẻ đang bị vàng da.
Sau khi ra viện, cha mẹ vẫn phải theo dõi tình trạng vàng da của trẻ tại nhà
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nhớ vàng da có xu hướng lan từ mặt trở xuống khi mức bilirubin tăng lên. Do đó, trẻ bị vàng da ở dưới đầu gối sẽ nguy hiểm hơn vàng ở mặt và phần trên ngực.
Liên hệ với bác sĩ trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ vàng da ngày càng tăng, đặc biệt vàng lan xuống dưới đầu gối.
- Trẻ kém ăn, và/hoặc không đi tiểu ít nhất 6 lần trong ngày hoặc không đi ngoài thường xuyên.
- Trẻ hay buồn ngủ, đặc biệt khi ăn cũng không thức.
- Trẻ rất quấy khóc và khó dỗ dành.
- Gục đầu hoặc lưng, hoặc có những hành động kỳ lạ.
- Trẻ bị sốt hoặc nôn thường xuyên.
Kết lại, trẻ sơ sinh bị vàng da rất phổ biến và thường không nghiêm trọng. Do đó cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên cần theo dõi trẻ chặt chẽ trong và sau ra viện, liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Tham khảo Harvard Health Publishing
___________________________________________________________
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé.
Để biết thêm những thông tin sức khỏe hữu ích từ chuyên gia, mời bạn ghé thăm mục CHUYÊN GIA TƯ VẤN.
Để cập nhật những kiến thức chăm sóc trẻ em mới nhất, mời bạn truy cập vào mục MẸ THÔNG THÁI.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi qua Facebook Thầy thuốc Lê Minh Tuấn hoặc liên hệ tới số điện thoại 092.919.7777. Các Dược sĩ Đại học Dược Hà Nội sẽ tư vấn trực tiếp, miễn phí.