Có nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi? Mẹo tự làm gia vị cho bé tại nhà
“Có nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi không" là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đau đầu khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Gia vị giúp cho món ăn ngon miệng và có mùi vị đặc trưng. Nhưng với trẻ dưới 1 tuổi thì việc nêm gia vị liệu có an toàn không, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Gia vị giúp món ăn trở nên đậm đà và có hương vị đặc trưng kích thích bé ăn ngon.
1. Có nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi không?
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia dinh dưỡng, việc nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi là không nên. Lý do giải thích cho câu trả lời trên là vì:
Thứ nhất:
Trong ẩm thực có 5 vị cơ bản: ngọt, mặn, chua, cay, đắng. Những gia vị này đã có sẵn trong các loại thực phẩm rau, củ, quả, thịt, cá, sữa,... đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể của trẻ dưới 1 tuổi.
Chính vì vậy, mẹ chỉ cần chế biến giữ nguyên hương vị sẵn có của món ăn mà không cần thiết phải nêm thêm gia vị.
Khi trẻ trên 12 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu nêm gia vị vào bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, cần nêm nếm theo liều lượng nhất định để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Thứ hai:
Trong cơ thể của trẻ dưới 1 tuổi, các cơ quan vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh. Việc nêm nhiều gia vị như: muối, bột ngọt (mì chính), đường, hạt nêm,...sẽ gây hại đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là chức năng thận. Không những thế mà việc này còn ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ sau này.
Khi nêm nếm quá nhiều muối có thể tạo thói quen ăn mặn cho trẻ khi lớn lên, ảnh hưởng đến chức năng thận do thận phải làm việc quá tải. Thừa muối còn có thể khiến bé bị còi xương và nguy hiểm hơn là làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp trong tương lai.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy việc ăn nhiều muối ở thời gian này dễ làm tổn thương não bộ của trẻ.
Thứ ba:
Trẻ dưới 1 tuổi thì không nên nêm gia vị, thậm chí sau 1 tuổi mẹ vẫn nên cho trẻ ăn nhạt hơn, ăn ít ngọt, ít béo để phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm trong tương lai, ví dụ như: suy thận, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh não.
Gia vị giúp món ăn trở nên ngon miệng nhưng không nên nêm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi
2. Những loại gia vị từ tự nhiên an toàn cho bé
Việc nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi được khuyến cáo là không nên. Tuy nhiên, khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và bước vào giai đoạn ăn dặm, các món ăn sẽ trở nên nhạt miệng khiến cho một số trẻ biếng ăn hoặc ăn kém. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng và sử dụng gia vị nhằm tăng sự ngon miệng cho món ăn. Vì vậy, khi cần nêm gia vị, các mẹ có thể sử dụng một số gia vị lành tính dưới đây:
2.1. Dầu oliu
Dầu oliu là gia vị thích hợp và an toàn cho hệ tiêu hóa của trẻ vào giai đoạn này để bổ sung chất béo cho bé. Đây là nhóm dưỡng chất thiết yếu giúp cung cấp năng lượng, hình thành mô mỡ, điều hoà thân nhiệt và hỗ trợ bé hấp thụ vitamin.
Dầu oliu an toàn cho bé dưới 1 tuổi.
Trong thành phần của dầu oliu có chứa nhiều axit linoleic giúp bé phát triển trí não và khung xương. Ngoài ra, trong dầu oliu còn chứa nhiều vitamin quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
Đối với trẻ từ 7-8 tháng, liều lượng sử dụng dầu oliu là khoảng 5ml/ buổi hoặc ¼ muỗng cà phê, ngày sử dụng 3 buổi.
2.2. Một số gia vị tự nhiên khác mẹ có thể sử dụng để nêm vào món ăn cho bé.
Vani.
Hành, tỏi (giã hoặc xay nhỏ).
Hạt tiêu.
Một số loại rau thơm: húng quế, kinh giới, bạc hà, rau thì là.
Chanh, gừng, vỏ quế.
Một số gia vị an toàn cho bé
Các loại gia vị trên được xem là khá lành tính cho bé và dễ dàng kết hợp trong chế biến món ăn. Việc mẹ sử dụng nhiều loại gia vị cho bé khi còn nhỏ cũng sẽ hạn chế việc kén ăn khi bé lớn lên.
3. Mẹo làm gia vị cho bé tại nhà.
Trẻ dưới 1 tuổi, các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa phát triển hoàn toàn, đặc biệt là thận vẫn chưa đủ khả năng để tiêu hoá các gia vị như đường, muối,... Do đó, mẹ có thể tự chế biến gia vị cho bé từ các loại rau củ quả từ thiên nhiên, vừa an toàn, vừa giúp con yêu ăn ngon chóng lớn.
3.1. Nước Dashi từ rau củ quả để tạo vị ngọt.
Nguyên liệu: Mẹ lựa chọn các loại rau củ quả không có vị chát để làm nước dùng cho bé như cà rốt, su hào, mía, ngô, củ cải trắng, mướp, bắp cải, khoai tây,...
Cách chế biến: 250g rau củ sẽ nấu tương ứng với 800ml nước. Tùy vào lượng rau củ quả đã có, các mẹ có thể điều chỉnh lượng nước dùng phù hợp.
Các loại rau củ quả mềm sẽ nấu với nước trong 20 phút, sau đó cho các loại rau củ quả cứng hơn nấu tiếp trong khoảng 10 phút. Nấu xong bỏ phần bã đi và lấy phần nước dùng để nấu cho bé.
Phần nước dùng có thể bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Tuy nhiên không nên để quá lâu vì sẽ làm mất vị thơm ngon của nước dùng.
Sử dụng rau củ quả để nấu nước dùng cho bé.
3.2. Tạo vị ngọt tự nhiên cho bé.
Nguyên liệu: Củ cải trắng, lê Hàn Quốc, gừng.
Cách chế biến: Mẹ có thể xay nhỏ hoặc ép chung củ cải trắng với lê Hàn Quốc lấy phần nước, bỏ bã. Sau đó, cho phần nước trên đun sôi với gừng đã thái nhỏ đến khi hỗn hợp sánh lại và có màu ngả vàng.
3.3. Làm ruốc cá hồi thơm ngon, bổ dưỡng cho bé.
Nguyên liệu: 200g thịt cá hồi (bỏ phần da), 1 hộp sữa tươi không đường, gừng giúp khử mùi tanh của cá.
Cách chế biến:
Bước 1: Ngâm cá hồi với sữa tươi 30 phút để khử tanh.
Bước 2: Vớt cá ra, dùng khăn thấm khô sữa, không dùng nước rửa.
Bước 3: Giã hoặc xay nhỏ gừng lấy nước rưới đều lên cá hồi. Cho cá vào nồi hấp cách thuỷ đến chín.
Bước 4: Lấy cá ra để nguội, gỡ nhỏ hoặc nghiền nát cá.
Bước 5: Rang cá trên chảo chống dính, để lửa nhỏ, rang đến khi cá gần khô thì tắt bếp.
Mẹ có thể bảo quản ruốc cá hồi trong hộp kín có nắp đậy. Ruốc cá hồi có thể cho bé ăn không hoặc ăn cùng với cơm rất ngon và bổ sung nhiều dinh dưỡng.
Như vậy, việc nêm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi là không nên. Nếu bé không chịu ăn và cần sử dụng gia vị, các mẹ có thể sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên để tạo gia vị cho bé. Điều này vừa đảm bảo an toàn cho bé, vừa cung cấp thêm các chất dinh dưỡng có từ thực phẩm.
>> Xem thêm:
1. Trẻ ăn dặm có thể nêm muối hay gia vị khác vào trong thức ăn hay không?
2. Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý thực đơn ăn dặm cho trẻ 6-7 tháng tuổi.
Tổng hợp: Thu Hà
___________________________________________________________
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé.
Để biết thêm những thông tin sức khỏe hữu ích từ chuyên gia, mời bạn ghé thăm mục CHUYÊN GIA TƯ VẤN.
Để cập nhật những kiến thức chăm sóc trẻ em mới nhất, mời bạn truy cập vào mục MẸ THÔNG THÁI.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi qua mục HỎI ĐÁP hoặc Facebook Thầy thuốc Lê Minh Tuấn hoặc liên hệ tới số điện thoại 092.919.7777. Các Dược sĩ Đại học Dược Hà Nội sẽ tư vấn trực tiếp, miễn phí.