Biếng ăn sinh lý là gì? Giải pháp để cùng con vượt qua
Sinh con ra, cha mẹ nào cũng muốn con hay ăn chóng lớn. Tuy nhiên, đứa trẻ nào cũng vậy, rồi sẽ có lúc chúng trở nên chán ăn, ăn ít đi so với bình thường trong khi vẫn khoẻ mạnh và chơi đùa. Hiện tượng này được các chuyên gia dinh dưỡng gọi là biếng ăn sinh lý.
Biếng ăn sinh lý là gì?
Sinh lý ở đây dùng để chỉ các hiện tượng bình thường của con người. Biếng ăn sinh lý cũng vậy. Vào thời điểm nhất định, trẻ sẽ ăn ít đi, không còn hứng thú với thức ăn như trước nữa.
Trẻ biếng ăn sinh lý xảy ra vào một thời điểm nhất định
Tình trạng này hay xuất hiện vào các độ tuổi như trẻ từ 3-4 tháng, 8-10 tháng, và 19-20 tháng.
Thông thường biếng ăn sinh lý chỉ kéo dài từ 7-10 ngày, hoặc muộn nhất khoảng 2 tuần.
Biếng ăn sinh lý do đâu?
Thấy con biếng ăn mẹ đừng tự trách mình nhé. Biếng ăn sinh lý không phải do mẹ nấu không ngon, hay cho con ăn chưa đúng cách đâu. Mà nguyên nhân ở đây là do trẻ khi chuyển tiếp giữa các giai đoạn sẽ ưu tiên học hỏi và hứng thú với nhiều điều mới lạ, dẫn tới lơ là chuyện ăn uống.
Mẹ để ý sẽ thấy trẻ khoảng từ 3-4 tháng tuổi sẽ có biểu hiện lười bú hơn. Đó là do trẻ đang ở độ tuổi tập lẫy sẽ chú tâm vào học lẫy và khám phá mọi thứ xung quanh. Lúc này, con bớt hứng thú với bầu sữa mẹ và ăn ít đi.
Trẻ ở tuổi tập lẫy sẽ chú tâm học kỹ năng mới mà ăn ít đi
Tương tự như vậy, ở các giai đoạn 8-10 tháng trẻ tập đứng, đi; 19-20 tháng trẻ phát triển mạnh về cảm xúc thì sẽ dành thời gian để hình thành các kỹ năng này và trở nên biếng ăn sinh lý.
Vào những lúc này, trẻ sẽ không tăng cân, thậm chí là hơi sụt. Nhưng khác với biếng ăn do các bệnh lý như viêm họng, sốt, trẻ biếng ăn sinh lý vẫn khoẻ mạnh và chơi đùa như thường ngày.
Giải pháp để cùng con vượt qua biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý là hiện tượng bình thường nên sẽ tự hết mà không phải can thiệp gì cả. Do đó, mẹ không cần lo lắng, chỉ cần đảm bảo chế độ ăn hợp lý như mọi ngày để kích thích trẻ ăn ngon và nhanh chóng vượt qua giai đoạn này.
- Dinh dưỡng cho trẻ
+ Nếu trẻ đang bú mẹ, hãy cho con bú theo nhu cầu. Mỗi lần con bú ít thì tăng số lần bú/ngày lên.
Tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu, tăng số lần bú trong ngày
+ Với những trẻ đã ăn dặm, cần bổ sung đa dạng và đầy đủ dưỡng chất từ cả 4 nhóm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
+ Mẹ có thể chọn thực phẩm giúp kích thích trẻ ngon miệng, có chứa vitamin B, lysin, kẽm như trứng, các loại đậu, các loại hạt và hải sản cho trẻ ăn.
>> Xem thêm Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn thế nào là đúng, đủ?
+ Trang trí đồ ăn hấp dẫn, bắt mắt cũng là cách hiệu quả để trẻ hứng thú hơn với bữa ăn.
+ Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày bằng cách thêm các bữa phụ từ sữa, sữa chua, trái cây.
- Những điều cha mẹ cần tránh
+ Diễn trò dụ trẻ ăn
Thấy con ăn ít, mẹ đừng cố diễn trò để dụ ăn. Việc này sẽ khiến trẻ ăn mà không hề tập trung chú ý, ăn không nhai, dễ bị sặc, nghẹn và hình thành thói quen ăn uống không tốt về sau. Trẻ sẽ trở nên ỷ lại, đòi xem điện thoại, tivi rồi mới ăn. Do đó, đừng dụ trẻ ăn mẹ nhé, hãy để con ăn theo khả năng.
Không cho trẻ xem tivi để dụ ăn
+ Ép trẻ ăn
Ngoài ra, các mẹ cũng thường sợ con thiếu chất mà doạ nạt và ép con ăn cho bằng được. Mẹ có biết những miếng cháo trẻ ăn trong ép buộc này chẳng hề có chút giá trị dinh dưỡng nào. Thêm vào đó, trẻ sẽ trở nên sợ hãi đồ ăn. Khi bị ép ăn quá nhiều, hậu quả tệ nhất sẽ là hình thành biếng ăn tâm lý. Và so với biếng ăn sinh lý, loại biếng ăn này nan giải hơn rất nhiều.
Như vậy, tuyệt đối đừng ép trẻ ăn mẹ nhé. Xin nhắc lại một lần nữa, hãy để trẻ ăn theo nhu cầu.
Không ép trẻ ăn, để chúng ăn theo nhu cầu
Đến đây chắc mẹ đã hiểu hơn về biếng ăn sinh lý ở trẻ và những lưu ý để cùng con vượt qua hiệu quả. Mẹ đừng lo lắng, thời gian này sẽ trôi đi nhanh thôi. Điều quan trọng là hãy cho con một chế độ dinh dưỡng phù hợp mẹ nhé.