Những điều mẹ cần biết khi bổ sung vitamin D cho trẻ
Kết quả điều tra vi chất của viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy khẩu phần vitamin D hàng ngày chỉ cung cấp khoảng 10,6% nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em 1-3 tuổi. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em Việt Nam thiếu vitamin D tương đối cao. Để khắc phục vấn đề này, bổ sung vitamin D cho trẻ là việc làm tất yếu.
1. Vai trò của vitamin D đối với trẻ
Nhắc tới vitamin D, nhiều mẹ đã biết vai trò quan trọng của nó đối với việc phát triển cấu trúc xương của trẻ.
Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc phát triển xương của trẻ
Thật vậy, vitamin D tham gia hoạt động chuyển hoá canxi và phốt pho, làm tăng quá trình lắng đọng khoáng tại xương. Có đủ vitamin D, canxi và phốt pho mới được gắn vào trong mô xương, giúp xương chắc khỏe và phòng tránh được bệnh còi xương.
Bên cạnh đó, vitamin D còn làm tăng hấp thu các khoáng chất này ở ruột, nhờ đó canxi và phốt pho từ thức ăn đi được vào máu và thực hiện chức năng. Bình thường, vitamin D được bổ sung từ thực phẩm hoặc sản xuất ở da dưới dạng vitamin D3 (cholecalciferol) không hoạt động. Khi vào cơ thể, qua gan chuyển hóa thành calcifediol và qua thận thành calcitriol mới có tác dụng.
Những điều mẹ cần biết khi bổ sung vitamin D cho trẻ
Ngoài vai trò quan trọng trên xương, vitamin D cũng tham gia vào quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hóa một số hormon trong cơ thể và liên quan đến sự biệt hoá tế bào ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng đủ vitamin D làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.
2. Trẻ còi xương do thiếu vitamin D
Đây là bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ. Các biểu hiện ban đầu của bệnh còi xương rất dễ nhận thấy như trẻ hay quấy khóc, trằn trọc, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn (phía sau đầu), yếu cơ, da xanh và mệt mỏi.
Trẻ bị thiếu vitamin D có thể bị bệnh còi xương
Nếu thiếu vitamin D kéo dài, trẻ có thể chậm mọc răng, mọc răng không đều, chậm vận động, thóp rộng chậm liền, biến dạng hộp sọ, lồng ngực có chuỗi hạt sườn, chân vòng kiềng, gù vẹo cột sống. Thậm chí trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.
Những trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin D là trẻ đẻ non hoặc sinh vào mùa đông thiếu ánh nắng mặt trời, trẻ ăn bột sớm, ăn bột nhiều và thiếu đi canxi và các khoáng chất cần thiết khác. Một số trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, rối loạn tiêu hoá kéo dài, nhiễm giun sán cũng có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn.
3. Bổ sung vitamin D cho trẻ như thế nào?
Tất cả mọi đứa trẻ sau sinh đều cần vitamin D. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo con có đủ vitamin D?
Theo CDC Hoa Kỳ, trẻ dưới 12 tháng tuổi cần 400 IU (đơn vị) vitamin D/ngày. Con số này là 600 IU/ngày đối với trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, trẻ từ nhỏ đến tuổi vị thành niên cần khoảng 5 mcg vitamin D/ngày.
Tuỳ vào độ tuổi mà cách bổ sung vitamin D cho trẻ cũng khác nhau. Dưới đây là lời khuyên dành cho cha mẹ.
Cách bổ sung vitamin D cho trẻ tuỳ thuộc vào độ tuổi của trẻ
- Bổ sung vitamin D cho trẻ đang bú mẹ
Sữa mẹ thường không cung cấp đủ vitamin D mà trẻ cần, do đó trẻ bú sữa mẹ vẫn phải bổ sung thêm từ nguồn khác. Vitamin D mặc dù là một sản phẩm thuộc nhóm OTC (over the counter), tức là mẹ có thể mua mà không cần bác sĩ kê đơn, nhưng để đảm bảo an toàn nên hỏi ý kiến chuyên gia y tế (bác sĩ, dược sĩ). Vitamin D bổ sung cho trẻ nhỏ thường ở dạng dung dịch và liều chia theo từng giọt.
Vitamin D là 1 vitamin tan trong nước, khi thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu và ít gây tồn đọng nên ít nguy hiểm. Tuy nhiên, khi thừa vitamin D có thể xảy ra khi dùng liều cao và liên tục. Trẻ bị thừa vitamin D sẽ có biểu hiện kém ăn, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, nước tiểu sủi bọt,... Khi thấy các dấu hiệu trên, đặc biệt là xuất hiện nốt nhỏ, màu trắng nhạt ở lớp màng mỏng che trước lòng trắng của mắt hoặc có hiện tượng viêm giác mạc hình dải băng cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Bổ sung vitamin D cho trẻ đang uống sữa công thức
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Các mẹ đều biết điều đó. Tuy nhiên, có những lý do khách quan khiến mẹ không thể cho con bú được mà phải dùng sữa ngoài hoàn toàn. Khi đó, để đảm bảo con có đủ vitamin D, mẹ cần chú ý:
+ Số lượng sữa trẻ uống phụ thuộc vào độ tuổi và nhu cầu của trẻ.
>> Xem thêm Lịch trình ăn cho bé ăn từ lúc mới sinh đến khi tròn 1 tuổi.
+ Lượng sữa công thức chuẩn khoảng 1000ml/ngày chứa 400 IU vitamin D. Do đó, nếu trẻ uống ít hơn con số này, cha mẹ sẽ cần bổ sung thêm vitamin D cho con như hướng dẫn ở trên.
- Bổ sung vitamin D cho trẻ đã ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở lên)
Thực phẩm là nguồn vitamin D dồi dào, do đó cung cấp vitamin D từ chế độ ăn hàng ngày là một biện pháp hiệu quả. Cha mẹ hãy chuẩn bị cho trẻ một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D như cá hồi, trứng, sản phẩm từ sữa bò có tăng cường vitamin D, sữa chua, ngũ cốc, và nước ép trái cây.
Bổ sung vitamin D cho trẻ đã ăn dặm bằng thực phẩm giàu vitamin D
Cũng cần lưu ý là sữa bò tăng cường vitamin D chỉ phù hợp với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Nguyên nhân là thận của trẻ dưới 12 tháng tuổi chưa đủ khả năng xử lý được lượng đạm và khoáng chất dồi dào từ sữa bò. Hơn nữa, sữa bò cũng không có những khoáng chất thật cần thiết cho trẻ ở lứa tuổi này. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống sữa bò dưới 12 tháng tuổi làm tăng nguy cơ trẻ xuất huyết tiêu hoá.
Thực phẩm bổ sung vitamin D cũng là lựa chọn hiệu quả với trẻ đã ăn dặm. Tương tự như trên, cha mẹ cần hỏi ý kiến chuyên gia y tế để bổ sung vitamin D an toàn cho trẻ.
Bên cạnh thực phẩm, việc tắm nắng cũng giúp có được lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày. Tuy nhiên, ánh nắng có thể gây hại và không phải là cách phù hợp để bổ sung vitamin D cho trẻ nhỏ. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng tuổi nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và được bảo vệ bằng quần áo, mũ để giảm nguy cơ ung thư da. Với những trẻ lớn hơn, ngoài chế độ ăn giàu vitamin D và canxi cha mẹ có thể khuyến khích trẻ hoạt động ngoài trời vào thời gian từ 4-5 giờ chiều.
Vitamin D rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Do đó, cha mẹ cần bổ sung đúng, đủ để con lớn khỏe mỗi ngày nhé.
Tham khảo CDC Hoa Kỳ, Viện dinh dưỡng quốc gia