Bé biếng ăn dặm phải làm sao? Thực đơn ăn dặm cho bé lười ăn
Việc tập cho bé ăn dặm nhằm mục đích cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, khi mà trẻ bắt đầu cần nhiều năng lượng hơn cho sự vận động của mình. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bé biếng ăn dặm dẫn đến chậm tăng cân, thiếu chất, suy dinh dưỡng,... khiến bố mẹ vô cùng đau đầu và tự hỏi không biết nguyên nhân do đâu, phải làm thế nào?
Bài viết dưới đây sẽ cùng bố mẹ đi tìm lời giải đáp và lên thực đơn ăn dặm cho bé lười ăn nhé!
Bé biếng ăn dặm ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao và cân nặng
1. Vì sao bé biếng ăn dặm?
Ăn dặm là khi bé được làm quen với một chế độ ăn hoàn toàn mới. Đó là các loại thức ăn thô như cháo, cơm, rau, củ, quả,.. ngoài sữa mẹ và sữa công thức như trước đây.
Có những bé trong giai đoạn này tỏ ra vô cùng thích thú với việc ăn dặm, ngược lại có nhiều bé lại lười ăn dặm, thậm chí không chịu ăn dặm.
Vậy thì nguyên nhân là do đâu?
1.1. Thời điểm ăn dặm chưa phù hợp
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 6 tháng tuổi là thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu cho bé ăn dặm.
1.1.1. Bé ăn dặm quá sớm
Vì nóng vội, lo lắng trẻ bú mẹ không có đủ dinh dưỡng mà các mẹ cho bé ăn dặm từ rất sớm, khi bé mới được 3-4 tháng tuổi.
Việc cho bé ăn dặm quá sớm là hoàn toàn sai, bởi lẽ lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện. Nếu bắt trẻ phải ăn các thức ăn thô không phải sữa mẹ, khiến cho bé chẳng những không hấp thu được dinh dưỡng từ thức ăn mà còn là nguyên nhân chính gây ra các hội chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu,...
Khi ấy, trẻ cũng sẽ bị chán sữa mẹ dẫn đến ngày càng lười bú, lâu dần trẻ trở nên chậm lớn, suy dinh dưỡng, còi xương vì thiếu chất.
1.1.2. Bé ăn dặm quá muộn
Có những mẹ vì cứ nghĩ rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, trẻ chỉ cần bú sữa mẹ là đủ. Mẹ cần biết từ 6 tháng trở đi, trẻ bắt đầu tập bò, tập đi, vì vậy nhu cầu năng lượng của trẻ cũng tăng theo, nếu chỉ bú sữa mẹ thôi thì trẻ không thể phát triển hết được.
Bên cạnh đó, lại có những mẹ vì sợ trẻ chưa có khả năng thích ứng được với chế độ ăn mới, nên đã trì hoãn việc cho trẻ ăn dặm. Thế nhưng chính việc cho trẻ ăn dặm quá muộn, khi mà trẻ đã quá quen với việc bú sữa mẹ hằng ngày nên việc phải nuốt, nhai thức ăn trở nên lạ lẫm và khó khăn với trẻ. Trẻ có tâm lý sợ ăn, lâu dần thành biếng ăn.
1.2. Trẻ chưa quen với thức ăn mới
Trẻ đang quen và hào hứng với thức ăn dạng lỏng là sữa mẹ hoặc sữa công thức nên việc chuyển sang ăn các loại thức ăn thô hơn khiến bé không kịp thích nghi, dẫn tới không chịu ăn dặm.
Nguyên nhân cũng có thể do cách ăn của trẻ bị thay đổi, đang từ bú mẹ, bú bình chuyển sang ăn bằng thìa.
1.3. Thức ăn nhàm chán, thiếu dưỡng chất
Trẻ dễ trở nên chán ăn nếu như phải ăn một món ăn lặp đi lặp lại nhiều ngày. Lâu dần trẻ không còn hào hứng với việc ăn dặm, ngày càng biếng ăn mà chỉ uống sữa.
Ngoài ra, nếu chế độ ăn không cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ.
1.4. Trẻ không quen với môi trường ăn dặm
Khi ăn dặm, các bé thường được ngồi ghế hoặc bế đi rong. Việc chuyển sang một môi trường ăn mới khiến trẻ chưa thích ứng nên có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng của trẻ.
Hay nhằm giúp bé ăn được nhiều hơn mà bố mẹ thường cho trẻ xem điện thoại hay tivi, điều này làm trẻ không thể tập trung ăn, không cảm nhận được mùi vị của thức ăn dẫn tới ăn không ngon miệng.
1.5. Cấu trúc ăn không phù hợp với trẻ
Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của trẻ, cấu trúc thức ăn cũng cần phải thay đổi theo, đúng theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ ngọt đến mặn.
Trẻ biếng ăn dặm nếu cấu trúc thức ăn không phù hợp
Trẻ từ 6 đến 7 tháng tuổi: thức ăn phải loãng, được xay nhuyễn và rây mịn.
Trẻ từ 7 đến 10 tháng tuổi: thức ăn có thể đặc hơn, xay nát mà không cần rây.
Trẻ từ 10 đến 12 tháng tuổi: nên cho trẻ ăn cơm nát, thức ăn được xé nhỏ, rau, củ lát mỏng,..
Trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể ăn cơm nguyên hạt như người lớn với thức ăn được xé nhỏ. Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm bún, phở, mì,.. để trẻ làm quen dần với các cấu trúc mới.
Nếu cấu trúc của thức ăn không phù hợp với độ tuổi của trẻ, trẻ rất dễ chán ăn.
1.6. Bé biếng ăn dặm do một số nguyên nhân khác
Trẻ mọc răng nên không muốn ăn.
Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp hay hệ tiêu hóa, cảm thấy mệt mỏi, khó chịu cũng sẽ dẫn tới lười ăn.
Bữa ăn kéo dài quá lâu.
Bố mẹ ép trẻ ăn quá nhiều, không phù hợp với sức ăn của trẻ.
Bố mẹ phục vụ trẻ quá mức dẫn tới trẻ bị động, phải chờ bón cho mới chịu ăn.
Bé biếng ăn dặm cũng có thể do mệt mỏi, khó chịu
2. Bé biếng ăn dặm gây hậu quả gì?
Tình trạng biếng ăn kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ cả về chiều cao và cân nặng. Do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên cũng có thể cản trở sự phát triển về trí tuệ của trẻ, trẻ chậm chạp hơn bình thường.
Đồng thời, trẻ biếng ăn nên giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch suy giảm, trẻ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công gây các bệnh trên đường hô hấp và tiêu hóa.
3. Bé biếng ăn dặm phải làm sao?
Để khắc phục tình trạng biếng ăn cho trẻ, trước hết mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân gây biếng ăn của trẻ là gì.
Tương ứng với các nguyên nhân được phân tích ở trên, một số giải pháp cho trẻ biếng ăn dặm như sau:
Áp dụng đúng các nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm: ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ ngọt đến mặn, cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ và vitamin).
Không cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, 6 tháng là thời điểm tốt nhất để bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm.
Có thể chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ để trẻ không bị ngán vì phải ăn quá nhiều trong một bữa.
Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của trẻ, lựa chọn cấu trúc ăn phù hợp với trẻ.
Tuyệt đối không được ép trẻ ăn, cố gắng tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Đa dạng các món ăn để kích thích vị giác thường xuyên cho trẻ.
1 bữa ăn kéo dài tối đa 30 phút theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, trong bữa ăn không cho trẻ xem điện thoại, tivi.
Chế biến các món ăn đủ chất dinh dưỡng và hấp dẫn, trẻ sẽ hào hứng hơn với bữa ăn.
Bé biếng ăn dặm sẽ hứng thú hơn với các món ăn hấp dẫn, đầy đủ chất dinh dưỡng
Nếu trẻ biếng ăn là do đang mắc bệnh dẫn đến mệt mỏi, chán ăn thì cần điều trị khỏi bệnh cho trẻ càng sớm càng tốt, khi ấy trẻ sẽ ăn ngon trở lại.
Nếu có thể hãy cho trẻ tự do trong bữa ăn của mình. Điều này rất tốt giúp trẻ nhận biết được mùi vị của từng loại thức ăn, kích thích vị giác và tăng hứng thú khi ăn.
4. Thực đơn ăn dặm cho bé biếng ăn dặm
Dưới đây là 3 mẫu thực đơn ăn dặm trong tuần cho bé ở 3 giai đoạn khác nhau.
Thực đơn cho bé biếng ăn dặm
Thực đơn ăn dặm cho bé 6-8 tháng tuổi
| Thứ 2,4 | Thứ 3,5 | Thứ 6, chủ nhật | Thứ 7 |
6h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
8h | bột thịt lợn | bột thịt bò | bột trứng | bột trứng |
10h | chuối tiêu ⅓-½ quả =30-50g | đu đủ 50g | hồng xiêm 50g | xoài 50g |
11h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
14h | bột trứng | bột cá | bột tôm | bột lươn |
16h | nước cam ½ quả + 1 thìa cà phê đường | sữa chua ½ đến 1 hộp | nước cam | nước cam |
Sau 17h | bú mẹ hoặc uống sữa công thức: 180-240ml |
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 9-12 tháng tuổi
| Thứ 2,4 | Thứ 3,5 | Thứ 6, chủ nhật | Thứ 7 |
6h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
8h | bột thịt lợn | bột thịt gà | bột thịt bò | bột trứng |
10h | chuối tiêu ⅓-½ quả =50-100g | đu đủ 100g | hồng xiêm 1 quả | xoài 100g |
11h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
14h | bột gan | bột cua | bột tôm | bột cá/lươn |
16h | nước cam/chanh ½ quả và 1 thìa cà phê đường | sữa chua ½-1 hộp | nước cam/chanh ½ quả và 1 thìa cà phê đường | váng sữa |
17h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
20h | bột thịt bò | bột thịt lợn | bột lươn | bột thịt bò |
Từ sau 20h | bú mẹ hoặc uống sữa công thức |
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 1-2 tuổi
| Thứ 2,4 | Thứ 3,5 | Thứ 6, chủ nhật | Thứ 7 |
6h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
8h | cháo thịt lợn | cháo thịt gà | cháo thịt bò | cháo trứng |
10h | chuối tiêu 1 quả | đu đủ 100g | hồng xiêm 1 quả | xoài 100g |
11h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
14h | súp thịt bò khoai | súp đậu xanh bí đỏ | cháo tôm | cháo lạc bí đỏ |
16h | nước cam | nước cam | nước cam | nước cam |
17h | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ | bú mẹ |
20h | cháo cá | cháo lươn | cháo thịt lợn | cháo lươn |
Từ sau 20h | bú mẹ hoặc uống sữa công thức |
>> Xem thêm: Trẻ biếng ăn phải làm sao? Tiết lộ bí mật từ chuyên gia
>> Xem thêm: 7 cách giúp trẻ hết biếng ăn chỉ sau 1 tuần
Tổng hợp: Hà Nga
___________________________________________________________
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé.
Để biết thêm những thông tin sức khỏe hữu ích từ chuyên gia, mời bạn ghé thăm mục CHUYÊN GIA TƯ VẤN.
Để cập nhật những kiến thức chăm sóc trẻ em mới nhất, mời bạn truy cập vào mục MẸ THÔNG THÁI.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi qua mục HỎI ĐÁP hoặc Facebook Thầy thuốc Lê Minh Tuấn hoặc liên hệ tới số điện thoại 092.919.7777. Các Dược sĩ Đại học Dược Hà Nội sẽ tư vấn trực tiếp, miễn phí.