DHA là gì? Bổ sung DHA cho trẻ như thế nào?
Trong những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, mẹ hay chú ý đến thành phần DHA. Do chất này tham gia vào quá trình phát triển trí não của trẻ. Nhiều mẹ còn cho rằng càng có nhiều DHA con càng thông minh nên không ngần ngại mua về cho con dùng. Tuy nhiên điều này là không đúng. Mời mẹ cùng đọc bài viết dưới đây để biết được DHA là gì và bổ sung DHA cho trẻ như thế nào mới đúng nhé.
DHA là gì?
DHA, với tên đầy đủ Docosahexaenoic acid, là một acid béo không no thuộc nhóm omega-3. Sở dĩ gọi là omega 3 vì phân tử acid béo gồm 2 đầu,1 đầu -COOH gọi là alpha, đầu -CH3 gọi là omega. Khi tính từ đầu omega, liên kết đôi đầu tiên nằm ở vị trí C thứ 3 nên có tên acid béo omega-3.
DHA là một acid béo omega-3
Trong nhóm này, còn 2 loại nữa được biết đến có vai trò đối với cơ thể người là acid alpha-linolenic (ALA) có trong dầu thực vật và eicosapentaenoic acid (EPA).
Cả DHA và EPA đều có nhiều trong dầu của các loài sinh vật biển.
Trong cơ thể người, DHA có thể được tổng hợp từ ALA. Tuy nhiên tỉ lệ này là rất nhỏ, chỉ 0,1-0,5% ALA chuyển thành DHA. Do đó, chúng ta cần bổ sung DHA từ bên ngoài.
Vai trò của DHA đối với trẻ
Có thể mẹ đã biết DHA là thành phần cấu trúc cơ bản của não người, võng mạc, và da. Thực tế, DHA chiếm hơn 90% thành phần acid béo omega-3, và khoảng 25% tổng hàm lượng chất béo có trong não. Nó thật sự rất quan trọng cho sự phát triển não bộ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trong giai đoạn phát triển.
Nguyên nhân là do DHA chủ yếu nằm trong màng tế bào, với vai trò giúp cho màng và khoảng trống giữa các tế bào trở nên lỏng hơn. Nhờ đó các tế bào thần kinh gửi và nhận tín hiệu dễ dàng hơn.
DHA có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển trí não
Mức độ thấp của DHA trong não hoặc mắt có thể dẫn tới làm chậm tín hiệu giữa các tế bào, gây thị lực kém hoặc chức năng não bị thay đổi.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng những trẻ thiếu DHA trong quá trình phát triển sẽ có chỉ số thông minh IQ thấp. Ngược lại, nếu được bú sữa mẹ và chế độ ăn đủ DHA trẻ sẽ có chỉ số IQ cao hơn và giảm tỷ lệ chậm phát triển hệ thần kinh.
Bổ sung DHA cho trẻ như thế nào?
DHA có liên quan đến sự phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên không phải cứ bổ sung nhiều DHA thì trẻ sẽ thông minh. Thừa DHA cũng không tốt, vì có thể gây tổn thương tế bào.
Nhu cầu DHA ở trẻ từ 0-12 tháng tuổi là 17 mg/100 Kcal, và trẻ từ 1-6 tuổi là 75 mg/ngày. Thông thường ngưỡng này hoàn toàn có thể được đáp ứng thông qua chế độ ăn hàng ngày của trẻ.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bú mẹ đầy đủ là sẽ có được lượng DHA cần thiết. Lúc này không cần bổ sung thêm từ nguồn khác. Thay vào đó, mẹ cho con bú nên tăng cường những thực phẩm giàu DHA như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, tảo, trứng, tôm, cua, các loại rau xanh, các loại hạt. Trẻ uống sữa công thức cũng tương tự như vậy. Trong các sản phẩm sữa đã tăng cường thêm DHA thì mẹ không cần bổ sung thêm nữa.
Bú mẹ đầy đủ giúp trẻ bổ sung lượng DHA cần thiết
Với trẻ đã ăn dặm tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi để tận dụng tối đa nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. Bên cạnh đó, thêm vào cháo hay bột của trẻ những thực phẩm giàu DHA như trên cũng giúp cung cấp acid béo này hiệu quả.
Một quả trứng gà tương đương với 1 miếng thịt gà có khoảng 19mg DHA. Hàm lượng này trong 12 con tôm hấp là 96mg. Đối với hải sản, 100g cá ngừ đóng hộp có tới 535mg DHA và 100g cá hồi nuôi có tổng 2,3g omega-3 toàn phần. Tuy nhiên, thật khó để cho trẻ ăn một loại với số lượng lớn, nên mẹ cần kết hợp các nguồn thực phẩm phù hợp để đảm bảo bổ sung đủ DHA cho trẻ hàng ngày.
Những nguồn thực phẩm giàu DHA
>> Xem thêm Những lưu ý khi cho trẻ ăn cá hồi
Ngoài những thực phẩm kể trên thì óc lợn cũng được coi là nguồn DHA dồi dào. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý món ăn này chứa nhiều chất béo như cholesterol, có thể khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu và tăng nguy cơ béo phì. Cho trẻ ăn óc lợn cũng được nhưng chỉ nên ăn tối đa 2 lần/tuần, với mỗi lần khoảng 30-50g.
>> Xem thêm Trẻ ăn nhiều óc lợn giúp thông minh? Quan niệm ăn gì bổ nấy sai lầm