Trẻ bị rôm sảy nên làm gì để nhanh khỏi?
Rôm sảy là "đặc sản" của thời tiết nắng nóng. Trẻ có biểu hiện nổi những nốt đỏ, ngứa trên trán, da đầu, thậm chí ở khắp người. Trẻ bị rôm sảy thường sẽ tự hết nhưng cũng có trường hợp dẫn đến nhiễm trùng da thành mụn mủ khiến bé đau và khó chịu. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Vì sao trẻ bị rôm sảy?
Trẻ nhỏ có ống dẫn mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh nên mồ hôi, bã nhờn không thoát được hết ra ngoài. Bên cạnh đó ghét, bụi bẩn cũng là yếu tố gây tắc nghẽn các ống tiết này. Hậu quả là chất bẩn bị ứ đọng, gây kích thích khiến làn da bé nổi nhiều chấm nhỏ màu hồng. Những nốt rôm sảy này thường mọc thành từng đám và ở vùng da có nhiều mồ hôi như trán, cổ, ngực, lưng, vùng cơ thể có nhiều nếp gấp.
Trẻ bị rôm sảy do mồ hôi, chất bẩn không thoát được ra ngoài
Ngoài các nốt mẩn đỏ, trẻ cũng thấy khó chịu, ngứa nên gãi nhiều. Điều này dễ khiến những chỗ rôm sảy bị nhiễm khuẩn và tạo thành mủ gây viêm nang lông.
Vào mùa nóng, trẻ càng ra nhiều mồ hôi. Đây là lý do mà trẻ thường bị rôm sảy hơn. Còn vào mùa lạnh, nguyên nhân dẫn đến rôm sảy là cha mẹ bọc quá kín cho con, mặc nhiều lớp quần áo cũng khiến mồ hôi không thoát ra được.
Trẻ bị rôm sảy nên làm gì để nhanh khỏi?
Rôm sảy thường nhẹ và không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên cha mẹ nên chú ý chăm sóc làn da của bé đúng cách để nhanh khỏi và không bị nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không được gãi ngứa, giết rôm cho trẻ. Việc này khiến trẻ dễ chịu ban đầu, nhưng có thể gây nhiễm trùng da, viêm da mạn tính và biến chứng viêm cầu thận.
Trẻ gãi nốt rôm sảy có thể gây nhiễm trùng
Dưới đây là một số biện pháp làm dịu nốt rôm sảy cho trẻ hiệu quả.
- Giữ mát cho trẻ
Cơ thể mát mẻ sẽ giảm bài tiết mồ hôi và hạn chế rôm sảy. Cha mẹ có thể sử dụng quạt thông khí, điều hoà, máy lạnh để làm mát cho trẻ. Ngoài ra, cũng cần để con uống đủ nước, mặc quần áo thoáng mát, tránh nơi đông đúc và hạn chế vận động nhiều.
>> Xem thêm Trời nắng nóng cho trẻ ở phòng điều hoà cần chú ý gì?
- Tắm lá giúp kháng khuẩn
Một số loại lá có tác dụng làm sạch, sát khuẩn tốt như lá trà xanh, kinh giới, trầu không, lá khế, quả mướp đắng. Đun tắm cho trẻ sẽ giúp bảo vệ da bé khỏi bị nhiễm trùng.
Tắm lá giúp trẻ bị rôm sảy tránh nhiễm trùng
Tuy nhiên khi áp dụng cách này cha mẹ cần lưu ý con không bị dị ứng với các loại lá tắm. Hãy thử một ít nước lá lên da của trẻ trước, nếu sau vài giờ không xuất hiện nốt dị ứng đỏ thì mới yên tâm cho trẻ tắm.
Thêm nữa là tắm nước lá chỉ giúp kháng khuẩn mà không loại bỏ được sạch bã nhờn. Do đó, trẻ vẫn cần được tắm bằng cả sữa tắm chuyên dùng.
Trường hợp da trẻ bị trầy xước, có vết thương hở, mưng mủ thì cũng không nên tắm nước lá.
Ví dụ: Chuẩn bị nước mướp đắng cho trẻ tắm
Cách 1. Ngâm mướp đắng trong nước muối, rửa sạch, rồi đem thái lát. Sau đó đun sôi, để nguội là có thể tắm được cho bé.
Cách 2. Giã nát 1-2 quả mướp đắng. Đem nấu chín rồi dùng túi vải sạch để lọc bã, vắt lấy nước dùng tắm cho trẻ.
Đun nước mướp đắng tắm rất tốt cho trẻ bị rôm sảy
- Dùng phấn rôm
Phấn rôm có tác dụng làm khô da và thoáng khí. Tuy nhiên không nên xoa khi trẻ ra mồ hôi nhiều vì sẽ càng làm tắc lỗ chân lông. Tốt nhất cha mẹ nên dùng phấn rôm sau khi trẻ tắm xong.
- Bôi thuốc làm dịu da
Trong trường hợp trẻ rôm sảy nặng và có biểu hiện bị viêm nhiều, có thể cần phải dùng đến thuốc bôi chống viêm có chứa kháng sinh và corticoid. Để tìm được loại thuốc phù hợp với trẻ, cha mẹ cần đưa con đi khám hoặc nhờ sự tư vấn của dược sĩ.
Không nên tự ý mua thuốc bôi cho trẻ. Vì nếu thành phần thuốc có chứa nhiều mỡ, sáp sẽ làm tăng bã nhờn, mồ hôi khó thoát ra và rôm sảy càng lâu khỏi.
Cha mẹ không nên tự ý bôi thuốc cho trẻ
Cách phòng chống trẻ bị rôm sảy
Để rôm sảy không tái đi tái lại nhiều lần, cha mẹ cũng cần áp dụng các biện pháp dự phòng dưới đây.
- Để trẻ luôn thoáng mát, tránh nóng
Duy trì nhiệt độ trong phòng trẻ khoảng 26-28 độ C. Tránh để trẻ ra nắng vào khoảng từ 11h sáng đến 3h chiều.
>> Xem thêm Lưu ý khi chăm sóc trẻ vào mùa nóng
- Tắm cho trẻ hàng ngày, giữ cơ thể sạch sẽ
Tắm bằng nước mát để giúp trẻ dễ chịu khi trời nóng. Cha mẹ cũng có thể sử dụng nước lá như lá trà xanh, trầu không, lá khế, quả mướp đắng,... tắm cho trẻ sạch và kháng khuẩn.
- Cho trẻ uống đủ nước
Uống đủ nước rất quan trọng để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định và tránh mất nước. Với trẻ nhỏ, sữa là nguồn nước chủ yếu. Trẻ lớn hơn có thể uống thêm nước đun sôi để nguội, và nước ép trái cây (hạn chế cho đường).
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày để dự phòng rôm sảy
- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau và trái cây tươi
Rau củ quả là nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào giúp làm mát cơ thể và tăng sức đề kháng cho trẻ. Khuyến khích con ăn nhiều rau và trái cây tươi là cách bảo vệ trẻ trong tiết trời nắng nóng hiệu quả.