Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh có đáng lo không?
16/08/21
Biếng ăn là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở trẻ mọi lứa tuổi trong suốt quá trình trẻ trưởng thành và phát triển, là vấn đề luôn khiến cha mẹ lo lắng không yên, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tỷ lệ trẻ sơ sinh biếng ăn luôn ở mức cao? Giải pháp cha mẹ có thể áp dụng đối với tình trạng này là gì? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Biếng ăn sinh lý có thể xuất hiện ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, với các biểu hiện mà cha mẹ thường thấy bao gồm:
- Trẻ chỉ ngậm mà không chịu bú mẹ, bú ít hơn bình thường, không bú vào ban đêm hoặc không chủ động khóc đòi bú mẹ.
- Trẻ hay nôn trớ, thường xuyên quấy khóc về đêm, hay tỉnh giấc giữa chừng hoặc ngủ không ngon giấc.
- Trẻ đột ngột lười ăn, kể cả những món trẻ thích.
- Trẻ hay ngậm đồ ăn, không nuốt, không chịu hợp tác khi ăn, phun thức ăn ra ngoài.
- Trẻ nghịch ngợm, mất tập trung khi ăn uống.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh có đáng lo không?
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng, thường không kéo dài trên 1 tháng. Cân nặng và chiều cao của trẻ trong giai đoạn này hầu như vẫn giữ ở mức ổn định, đồng thời các bệnh lý về đường hô hấp, đường tiêu hóa cũng không xuất hiện ở tần số nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không để ý và có các biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách, tình trạng biếng ăn kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé ở giai đoạn sau.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Nguyên nhân dẫn đến biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh biếng ăn sinh lý có thể bắt nguồn từ các nhóm nguyên nhân chính sau:
1. Nguyên nhân từ trẻ
Đây được coi là nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng trẻ biếng ăn. Biếng ăn sinh lý thường xuất hiện tương ứng với các giai đoạn đánh dấu bước phát triển của trẻ, bao gồm:
- Giai đoạn trẻ 3 – 4 tháng tuổi: là thời điểm trẻ thường bắt đầu biết và học lẫy, biết ngửa cổ, quan sát và có hứng thú với các sự vật xung quanh.
- Giai đoạn trẻ 9 – 10 tháng tuổi: khi trẻ bắt đầu học bò, học đứng, học đi. Khi đó, các bữa ăn có thể không hấp dẫn được trẻ dẫn đến tình trạng bỏ bữa, trẻ không chịu ăn.
- Giai đoạn mọc răng: khiến cho việc tiêu hóa của trẻ gặp trở ngại do có thể gây sưng đau lợi, trẻ sốt, mệt mỏi và quấy khóc không chịu ăn.
Ngoài ra, thói quen bú mẹ cũng có thể gây cho trẻ tình trạng biếng ăn:
- Trẻ mới sinh có thể lười bú mẹ do cách bú chưa đúng, cũng có thể do một số nguyên nhân như trẻ sinh non khiến cho thời gian đầu trẻ chưa được làm quen với bầu ngực mẹ, lâu dần sẽ tạo thói quen lười bú.
- Bé ngủ nhiều: việc trẻ luôn trong tình trạng buồn ngủ sẽ làm giảm số lần ăn hoặc bú mẹ của bé, từ đó gây ra biếng ăn, lười bú.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân từ trẻ
2. Nguyên nhân từ mẹ
- Mẹ bị tắc sữa, không có sữa kịp thời cho trẻ bú: trẻ trong 6 tháng đầu cần bú mẹ hoàn toàn, đòi hỏi một lượng sữa lớn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Mẹ không cung cấp đủ sữa có thể dẫn đến việc trẻ biếng ăn, quấy khóc.
- Mẹ thiếu dinh dưỡng nên sữa mẹ thiếu đi một số các khoáng chất giúp kích thích trẻ tiêu hóa.
- Sữa mẹ có mùi vị khác lạ: việc mẹ sử dụng một số loại thực phẩm có mùi, có vị khác lạ hoặc sử dụng thuốc, hút thuốc có thể khiến trẻ khó chịu khi bú, khiến trẻ lười bú.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân từ mẹ
3. Nguyên nhân từ khẩu phần dinh dưỡng cho bé
- Mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm cũng có thể khiến cơ thể trẻ chưa kịp đáp ứng, bé lười ăn hơn.
- Mất cân bằng dinh dưỡng từ chế độ ăn cũng gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Các thành phần dinh dưỡng như selen, vitamin nhóm B, kẽm, lysin đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tiêu hóa cho trẻ.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh do khẩu phần dinh dưỡng không hợp lý
Giải pháp khắc phục biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh
Khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh không phải là một vấn đề khó khăn nếu như các bậc cha mẹ nắm vững được những lưu ý cơ bản dưới đây:
Với bé bú mẹ:
- Mẹ nên ưu tiên lựa chọn các dạng thực phẩm đầy đủ chất nhưng không hoặc ít có mùi lạ để bổ sung, duy trì dòng sữa mẹ ổn định, giúp trẻ làm quen với sữa mẹ và tạo cảm giác thoải mái khi trẻ bú.
- Tạo thói quen bú mẹ cho trẻ, chia thành các cữ bú hợp lý, tập cho bé bú mẹ đúng cách. Ngoài ra, mẹ cũng có thể chuẩn bị sẵn sữa mẹ và bảo quản trong tủ, cho trẻ dùng khi đói.
- Trường hợp mẹ tắc sữa hoặc không đủ sữa cho trẻ: mẹ có thể áp dụng các giải pháp khác nhau theo hướng dẫn của các chuyên gia để kích sữa, hoặc phối hợp sử dụng các dạng sữa công thức được khuyến cáo để đảm bảo trẻ được bổ sung đủ chất.
Với trẻ bước sang giai đoạn ăn dặm:
- Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm và dễ tiêu hóa, đặc biệt là các món phù hợp với sở thích của trẻ.
- Đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng được khuyến cáo trong bữa ăn.
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến để trẻ dễ dàng thích nghi và kích thích vị giác trẻ.
- Tăng số bữa ăn trong mỗi ngày, giảm lượng thức ăn từng bữa để trẻ không bị quá tải.
- Không ép buộc trẻ ăn quá nhiều, cần tạo tâm lý thoải mái cho trẻ mỗi bữa ăn, tuy nhiên cha mẹ cũng không nên dùng đồ chơi hay điện thoại để dỗ trẻ do có thể làm trẻ mất tập trung khi ăn.
- Tạo cho trẻ thói quen ngồi ăn cùng gia đình, tự ăn khi có nhu cầu.
- Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần để ý quan sát tất cả các biểu hiện của trẻ, để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu khác ở trẻ ngoài chứng biếng ăn.
Giải pháp khắc phục biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh
Biếng ăn sinh lý là vấn đề thường gặp, do đó cha mẹ không cần quá lo lắng, nên chú ý cập nhật các kiến thức cần thiết hoặc nhờ tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng để có hướng xử trí an toàn, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.
>>Xem thêm: